Gạo Việt Nam tại Canada mới chiếm 2,9% thị phần, cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu
Canada tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam
Số liệu của cơ quan thống kê Canada cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới trong năm 2023 đạt 508 triệu USD, tăng 2% so với năm 2022.
Nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm, và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. |
Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo lên tới 56,4% vào thị trường Canada, và là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên đến gần 2,9% (cao hơn con số 1,6% trước khi có Hiệp định CPTPP).
Năm 2023, gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng xay xát tăng 58% so với năm 2022. Lượng gạo lứt và gạo tấm xuất khẩu không đáng kể tăng lần lượt 73% và 126,5% so với cùng kỳ 2022.
Trong năm 2023, tỉnh/bang nhập khẩu nhiều gạo trắng xay xát nhất vẫn là British Columbia, tiếp đó là Ontario, Alberta; Quebec và Manitoba nhập khẩu không đáng kể gạo từ Việt Nam. Giá gạo trung bình nhập về British Columbia tương đối thấp đối với gạo trắng, chỉ đạt 750 CAD/tấn; ở Alberta lên nhẹ 808 CAD/tấn và 856 CAD/tấn ở Ontario. Giá gạo cao nhất nhập khẩu vào Quebec lên đến 1442 CAD/tấn.
Riêng đối với gạo lứt và gạo tấm, tỉnh/bang nhập khẩu nhiều nhất là Ontario, sau đó lần lượt là British Columbia. Quebec nhập khẩu nhiều gạo lứt hơn Manitoba và Alberta nhưng lại nhập khẩu ít gạo tấm hơn hai tỉnh này. Giá gạo tấm giao ở Ontario đạt 824 CAD/tấn, trong khi đó lên tới 1365 CAD/tấn ở British Columbia. Giá gạo lứt nhập khẩu về British Columbia còn lên đến 2884 CAD/tấn.
Gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%.
Bên cạnh gạo trắng dài (jasmine), hiện nay, gạo tròn giống Nhật trồng ở Việt Nam đang được Canada tăng nhập khẩu khá mạnh, là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch gạo sang thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, cũng giống như gạo trắng jasmine, gạo tròn shushi đều được đóng gói dưới bao bì và thương hiệu của các tập đoàn nước ngoài.
Còn nhiều dư địa để xuất khẩu
Nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm, và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. Nhìn chung, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa để vào thị trường Canada do đây là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn bậc nhất thế giới.
“Canada là nước nhập khẩu gạo phục vụ khoảng 7 triệu người gốc châu Á. Cộng đồng người Việt tại Canada hiện đã lên đến khoảng 300.000, là cộng đồng người Á đông thứ 4 tại Canada. Vì vậy, Canada có nhu cầu khá ổn định đối với mặt hàng gạo”, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada.
Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo quan trọng vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.
Số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có thể thấp hơn nhiều so với thực tế vì hiện nay gạo Việt Nam vẫn được xuất khẩu qua Hoa Kỳ, đóng túi tại đây rồi mới trung chuyển lại Canada.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vào thị trường tăng đều qua các năm cho thấy các nhà nhập khẩu Canada bắt đầu quan tâm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam để thay thế/giảm phụ thuộc vào thị trường gạo trắng của Thái Lan và Hoa Kỳ.
Từ nhiều năm nay, Canada đã dành nhiều khoản hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực thể chế cho các cơ quan, Hiệp hội, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, Canada có dự án hỗ trợ thiết thực trong lĩnh vực gạo từ năm 2011, đó là thông qua Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Sóc Trăng để hỗ trợ từ giai đoạn nghiên cứu đến thương mại hoá sản phẩm gạo ST25.
Các chuyên gia Canada đã không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý điều hành, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, quảng bá thị trường, nâng cao sức cạnh tranh mà đã giúp các cơ sở sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng ứng dụng kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường và sản xuất bền vững.
Nhờ vậy, các hộ nông dân và hợp tác xã hưởng lợi từ các dự án đã ngày càng chủ động trong sản xuất, đạt tiêu chuẩn và đang hướng đến kinh tế tuần hoàn, đảm bảo một quy trình sản xuất khép kín không gây ô nhiễm môi trường.
Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Mạng lưới doanh nhân kiều bào đang là những đối tác tích cực hỗ trợ tăng thị phần gạo của Việt Nam tại Canada, đặc biệt là đưa mặt hàng gạo chất lượng cao ST 25 vào thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.
Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải/thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước còn có các hình thức trợ giá xuất khẩu, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí/thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng.