Gặp gỡ doanh nhân mê nhặt rác
Hơn 10 năm qua, dù là giám đốc của một công ty du lịch lớn, ông Đào Đặng Công Trung vẫn miệt mài đóng vai “thợ săn rác” tại bán đảo Sơn Trà, góp phần mang lại vẻ xanh – sạch – đẹp cho lá phổi của thành phố Đà Nẵng.
“Giám đốc mê nhặt rác” là biệt danh mà mọi người đặt cho ông Đào Đặng Công Trung (Giám đốc công ty TNHH thương mại Dịch vụ Mân Thái). Ngoài thời gian lo toan công việc thường ngày, ông Trung lại miệt mài “săn rác” tại bán đảo Sơn Trà từ năm 2010. Ông Trung kể, ông vốn quê tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhưng lại “say đắm” Sơn Trà bởi vẻ đẹp của bán đảo này và ông đã quyết định gắn bó tại nơi đây. |
Mỗi tuần 2 -3 lần, liên tục hơn 10 năm, người đàn ông gốc Hội An lại lang thang tìm rác khắp các nẻo đường thuộc bán đảo Sơn Trà. “Ngoài thời gian bận rộn mưu sinh, chăm sóc gia đình nhỏ của mình, tôi đều định ra những chuyến gom rác 3 lần mỗi tuần, từ 6h30 đến 8h sáng, chiều từ 17h30 đến 18h30 theo từng khu vực.” ông Trung tâm sự. |
Mỗi lần như vậy, chưa bao giờ người đàn ông này chịu về tay không, những vỏ chai, túi ni lông, quần áo, giày dép, mũ nón bị du khách bỏ lại được gom lại, ít nhất cũng 10 kg, nhiều thì 30 – 40 kg rác. Ông Trung kể, nhiều khi bận việc, không lên bán đảo dọn rác, đến khi quay lại thì rác đã chất lại như … núi. |
Không chỉ lượm rác trên mặt đất, ông Trung còn “nhặt rác” từ biển để trả lại nơi đây sự trong lành, sạch đẹp vốn có. Công ty TNHH TMDV Mân Thái của ông Trung chuyên tổ chức các tour chèo sup, thể thao biển, và khám phá thiên nhiên, chính lý do đó đã giúp ông thực hiện hoá hành động dọn rác dưới đáy biển này. “Nhiều người nói mình lập công ty để đi vệ sinh môi trường biển, mình chỉ cười” ông Trung chia sẻ. |
Mỗi tuần, ông Trung đều dành 1 giờ đồng hồ lặn biển để vớt rác ở dưới độ sâu 5m – 7m hay thậm chí 10m – 30m. Khác với nhặt rác trên bờ, nhặt rác dưới đáy biển đòi hỏi con người phải có thể lực tốt, sức bền, ý chí và niềm đam mê với “việc bao đồng” này. Chưa kể đến, dưới đáy biển có nhiều điều nguy hiểm rình rập như độc của các loài, sắc bén của san hô… Thế nhưng, ông Trung vẫn không ngại nguy hiểm oằn mình dưới đáy biển để nhặt rác. |
Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển, ông Trung cũng đôi khi “trày da tróc vảy” vì sóng xô vào những rạn san hô mà xước da, bầm chân. Ông Trung cho biết, nhặt rác dưới đáy biển đã trở thành thói quen của tôi, có thể gọi đây là một môn thể thao mà tôi yêu thích. Nếu tôi còn đủ sức khỏe thì tôi vẫn sẽ làm để trả lại đại dương xanh bao la vẻ đẹp thuở sơ khai đầy bí ẩn. |
Dưới đáy biển là khu vực của những rạn san hô, là một thế giới đáng ra phải là nơi huyền ảo, thơ mộng như lại mang vẻ hoàn toàn khác với những vỏ lon, chai nhựa, túi ni-lông… mà theo ông, đại dương bao la không nên hứng chịu những tác phẩm do con người để lại. “Đại dương vốn dĩ không có rác, mà do ý thức của nhiều người quá kém, xả rác xuống biển dẫn đến môi trường của các sinh vật biển bị đe dọa, đời sống con người từ dó cũng bị ảnh hưởng” ông Trung chia sẻ. |
Ông Trung kể lại, có nhiều chai, lọ nằm trong hốc sâu của san hô, nhiều sinh vật biển cũng vì rác thải nhựa mà chết đi, thậm chí đau lòng hơn là vướng vào chai nhựa hay túi ni-lông mà để lại những vết hằn cứa vào da thịt. Nhiều lần, ông Trung còn nhặt được những hộp sắt, chai nhựa được sản xuất cách đây cả… 20 năm dưới vực sâu đáy biển Sơn Trà. |
Ông Trung nói: “Nhiều lúc cũng buồn, cũng chán nản, rác thải mỗi ngày lại càng nhiều, chỗ mình chưa nhặt một tuần quay lại thì rác đã chất thành đống rồi. Nhưng nghĩ thêm thì thấy cũng vui đôi chút, hành động của mình được nhiều người biết tới, giúp ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nếu không làm bây giờ thì còn chờ khi nào?” |
Việc làm ý nghĩa của người doanh nhân này đã lan tỏa tích cực đến cộng đồng, từ những người đồng nghiệp là doanh nhân, doanh nghiệp đến các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng sinh viên, học sinh, ý thức người dân đã thay đổi tích cực, không xả rác mà trái lại tham gia nhặt rác cùng các đoàn thể, hội nhóm góp phần cho môi trường xanh sạch đẹp, đáng sống. Nhiều thợ lăn chuyên nghiệp lẫn bán chuyên, bạn trẻ đều tình nguyện tham gia nhóm lặn biển thu gom rác thải, vỏ lon, túi ni-lông quanh khu vực bán đảo |
Trong mỗi tour du lịch, ông Trung đều trang bị cho du khách những thiết bị lặn chuyên dụng, dụng cụ vớt rác thải cùng giỏ đựng và các trang bị liên quan và hướng dẫn du khách dành ra 15 phút để thu gom rác thải tại điểm đến. Bên cạnh hoạt động đó, công ty của ông còn triển khai hoạt động đổi túi ni-lông thành túi cói để bảo vệ môi trường, tránh tình trạng khách bỏ quên tại các khu vực biển, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Mới đây, ông Đào Đặng Công Trung (đứng giữa) được mời làm đại sứ của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam năm 2022 vì những hành động ý nghĩa của ông. Hành động ý nghĩa ấy không chỉ đang giới hạn lại phạm vi bán đảo Sơn Trà hay thành phố Đà Nẵng mà sẽ lan toả đến toàn thể người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường biển, hình thành văn hóa doanh nhân có trách nhiệm với xã hội. |
Bài viết cùng chủ đề:
Hoa hậu