Gặp 'nữ hoàng hột vịt' Ba Huân
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm nhà máy xử lý trứng gia cầm công ty TNHH Ba Huân tháng 11/2009
- Biết chuyện bà Ba Huân đi Hà Lan đem về dây chuyền xử lý trứng rồi xây nhà máy tốn hơn 30 tỷ đồng, nhiều người bảo bà bạo gan quá, nhất là giữa lúc cả nước lao đao vì đại dịch cúm gia cầm.
Người phụ nữ được giới truyền thông âu yếm gọi "nữ hoàng hột vịt", giám đốc Công ty TNHH Ba Huân vẫn tự hào mỗi khi kể lại thời điểm chật vật nhất mà công ty bà đã vượt qua "bão" cúm gia cầm.
Vượt bão
Đành gõ cửa các cơ quan thú y tìm cách gỡ vướng. Trứng được khử trùng và xác nhận đã qua kiểm dịch nên việc buôn bán lại bắt đầu được khôi phục dần.
Nhưng rồi, đến năm 2005 đại dịch quay trở lại. Lúc này, cả người nông dân và các hộ buôn trứng đều phải chấp nhận sống chung với lũ, bởi cúm gia cầm sẽ đến hẹn lại lên. Nhiều hộ buôn phải chuyển nghề.
"Việc tiêu hủy trứng để ngăn dịch phát tán không chỉ khiến nông dân khốn đốn mà còn tác động đến mâm cơm người nghèo vì mất đi một loại thực phẩm rẻ tiền mà giàu dinh dưỡng", bà Ba Huân tâm sự.
Tình cờ, một người em của bà từ nước ngoài về cho biết ở Hà Lan có dây chuyền xử lý trứng sạch, sát khuẩn đến trên 99%, nên dù có dịch cúm, người ta vẫn bán trứng bình thường.
Thế là bà khăn gói đi xem tận nơi. "Tôi thú nhận với họ là không biết chữ, cũng không rành về kỹ thuật. Tôi không có nhiều tiền nhưng đầy tâm huyết với nghề trứng, mấy ông ráng bán máy tốt cho tôi, đừng bán đồ rởm lừa tôi mà tội nghiệp".
Đích thân giám đốc kinh doanh của hãng Moba đã đưa người phụ nữ tự nhận "quê một cục" sang các nước châu Âu tham quan nhà máy xử lý trứng gia cầm. Quy trình xử lý trên máy qua hai lần rửa, sấy khô, chiếu tia UV, soi tìm trứng nứt, bọc một lớp dầu bảo vệ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn cũng như in dấu thương hiệu. Bà Ba Huân hỉ hả vì tìm ra con đường sống cho "hột gà, hột vịt" của mình.
Thế là bất chấp khó khăn, bà Ba Huân chạy vạy bán kho hàng, vay mượn, rồi lận lưng đủ 30 tỷ đồng quay lại Hà Lan mua máy.
"Nhìn lá cờ Việt Nam được gắn cùng với cờ các nước tại hãng Moba, tôi rơi lệ vì sung sướng. Đó là quyết định táo bạo nhưng cũng là bước ngoặt của tôi, của những người nông dân nuôi vịt. Hiện nay chúng tôi đã có dây chuyền thứ hai và trứng đã qua xử lý của công ty Ba Huân chiếm 40% thị trường TP. HCM. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói, bà Ba Huân đã thả một cái phao lớn cho nông dân", bà Huân tự hào kể̉.
Thương hiệu trứng Ba Huân thành công ngay giữa thời điểm tưởng chừng không thể tìm lối ra như vậy.
Vào nghề từ quả trứng vỡ
Năm 1982, bà Ba Huân xin nghỉ việc nhà nước, lên Sài Gòn mở vựa kinh doanh trứng.
Nhưng phải đến sau năm 2005, vượt qua thời điểm khó khăn của dịch cúm gia cầm, bà Ba Huân bắt đầu tổ chức công việc kinh doanh sao cho mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho người nông dân.
"Mùa dịch, nông dân gặp khó, tiền tạm ứng mua thức ăn cho họ tôi tạm gác lại, đồng thời rót thêm vốn để họ không bỏ nghề. Những khi giá cả thức ăn chăn nuôi tăng khiến giá thành của họ đội lên, tôi cũng vẫn thu mua của nông dân. Họ còn là mình còn. Không phụ người ắt người không phụ mình. Qua cơn bĩ cực, những khi khan hàng, dù người khác trả cao hơn một, hai giá, nhưng họ vẫn để dành trứng cho mình", bà Ba Huân tâm tình.
Nữ doanh nhân chân đất cũng mày mò đưa trứng sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Thay vì chỉ bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, trứng gà Ba Huân được phân phối tới từng chợ, quầy bán lẻ. Bà Huân nói, bất kể ai muốn mở sạp bán trứng Ba Huân chỉ cần số vốn 1 - 2 triệu đồng sẽ được công ty cấp khay đựng, vận chuyển đến tận nơi. Nếu ba ngày bán không hết, công ty sẽ thu lại và cho đổi trứng mới.
Công ty bà Ba Huân cũng liên kết, ký hợp đồng chăn nuôi với 40 trại vịt ở các tỉnh miền Tây, nhiều trại gà ở miền Đông để thu mua trứng đưa vào xử lý.
Bà Huân tâm sự, thông qua các công ty săn đầu người, bà luôn sẵn sàng trải thảm đỏ mời người giỏi về cộng tác.
Theo DDDN