Giá cà phê trong nước ngày 23/7/2023, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên trở lại đà tăng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, cao nhất ở mức 66.900 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng tăng 1.300 đồng/kg, ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 66.100 – 66.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 66.500 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk hôm nay tăng 1.200 đồng/kg, ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 66.600 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 66.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 66.900 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg.
Theo chuyên gia, giá cà phê Việt Nam trở lại đà tăng mạnh trước nỗi lo thiếu hụt nguồn cung Robusta trên thị trường thế giới.
Giá cà phê hôm nay, ngày 23/7/2023 trong nước dao động từ 66.200 - 66.900 đồng/kg. |
Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê trên hai sàn trở lại xu hướng hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London đảo chiều tăng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 66 USD, lên 2.602 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 49 USD, lên 2.441 USD/ tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 3,80 cent, lên 161,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 3,25 cent, lên 161,55 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Chuyên gia nhận định, giá cà phê Robusta trên sàn London phục hồi mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và báo cáo tồn kho ICE vẫn đứng ở mức thấp. Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York nối tiếp đà tăng do báo cáo tỷ giá đồng Reais tiếp tục mạnh lên.
Theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia, sản lượng cà phê Arabica 9 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 đạt 7.919.000 bao, giảm 14,8% so với cùng niên vụ 2021 - 2023; xuất khẩu đạt 7.808.000 bao, giảm 16,8%.
Báo cáo tồn kho trên sàn ICE – London tính đến ngày 18/7 đã giảm thêm 1.790 tấn, xuống đăng ký ở mức 52.750 tấn (khoảng 879.167 bao, bao 60 kg), mức thấp kể từ năm 2016, cho dù phần lớn cà phê hiện nay được bán trực tiếp cho thị trường tiêu thụ mà không qua sàn.
Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.
Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.
Tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.
Việt Nam cũng là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai tại thị trường EU, chiếm 16,1% thị phần về lượng (sau Brazil với 22,2%). |
Hiện nay các doanh nghiệp cà phê Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu.
Việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai. Do đó, lưu ý không trồng trên diện tích đất có rủi ro về nguồn gốc phá rừng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.
Trong niên vụ 2021-2022, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỉ USD; cà phê nhân Arabica chỉ xuất 60.000 tấn, kim ngạch 260 triệu USD; cà phê nhân đã khử caffeine 26.000 tấn, kim ngạch 76,9 triệu USD.