Đối diện với chi phí đầu vào tăng cao
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.907 USD/tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù giá xuất khẩu cà phê tăng nhưng người nông dân không được hưởng lợi. Nguyên nhân do, dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng thế giới và trong nước bị đảo lộn, giá phân bón tăng từ 30 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10-20%, giá công lao động tăng bình quân khoảng 25% so với năm 2020, tạo áp lực lớn cho nông dân.
Cà phê tiếp tục xu hướng tăng giá |
Cuộc “bão giá” đổ bộ, nông dân chỉ thu được 42,4 triệu đồng/ha sau khi hạch toán chi phí. Đặc biệt với những hộ nông dân có diện tích trồng nhỏ, năng suất chưa cao thì khoản thu nhập này không đảm bảo chi phí trong một năm cho cả hộ gia đình.
Theo nhiều hộ trồng cà phê tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Phú Yên, Điện Biên,… năm ngoái giá cà phê chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng họ vẫn còn lãi chút đỉnh. Năm nay, giá cà phê tăng 30% nhưng giá phân bón tăng gấp đôi, lợi nhuận không thể gồng được mức chi phí tăng phi mã. Không chỉ đối diện với mức giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, các hộ trồng cà phê còn đối diện với việc giá nhân công tăng cao thêm 20-30%, nhiều nhà vườn đăng tuyển công nhân khắp nơi, trả lương cao, bao ăn ở nhưng vẫn khó tuyển dụng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) Đắk Nông nhận định, mặc dù giá cà phê nhân hiện nay tăng so với thời gian trước, bình quân khoảng 40.000 đồng/kg; nhưng qua khảo sát sơ bộ, khả năng người dân có lãi, nhưng không cao.
Trước diễn biến chi phí sản xuất bào mòn lợi nhuận của nông dân trồng cà phê, đại diện NN&PTNT Đắk Nông khuyến cáo, các địa phương hướng dẫn người dân sản xuất cà phê cần phải chủ động nguồn nhân công lao động; tận dụng phân bón từ phụ phế phẩm trong sản xuất cà phê (như vỏ cà,…) để bón cho cây cà phê; áp dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý trong bón phân, quản lý dịch hại nhằm giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên 01 đơn vị sản xuất.
Đối diện với thiếu hụt lao động
Cũng theo đại diện NN&PTNT Đắk Nông, dự kiến năng suất bình quân cà phê niên vụ 2021-2022 của tỉnh ước đạt 2,76 tấn/ha, tăng khoảng 3%/ha so năm 2020. Dự kiến năm 2021 diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng 120.000ha, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 330.000 tấn, tăng khoảng 13.600 tấn so với năm 2020. Do điều kiện thời tiết năm 2021 tương đối thuận lợi; đa số người dân sản xuất cà phê đã có kinh nghiệm trong sản xuất, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, chứng nhận hiệu quả vào sản xuất nên về cơ bản đã nâng cao chất lượng cà phê hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng thiếu lực lượng lao động thu hái như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ thu hái đồng loạt, không đủ độ chín hoặc để chín rụng ngay tại vườn,… làm giảm chất lượng của sản phẩm sau thu hoạch.
Với thời gian thu hoạch tập trung trong 02 tháng cuối năm (tháng 11 và tháng 12), tổng diện tích cà phê bước vào thời kỳ thu hoạch khoảng120.000ha thì cần khoảng trên 230.000 lao động; Trong khi đó, nguồn lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%; số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lao động thu hoạch này rất hạn chế; dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 115.000 lao động so với các năm trước. Để đảm bảo công tác thu hoạch cũng như chất lượng cà phê của tỉnh, Sở NN&PTNT đã có Công văn số2286/SNN-PTNN, ngày 8/10/2021, về việc hướng dẫn thu hoạch, sơ chế và bảo quản cà phê niên vụ 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến vấn đề nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Đại diện Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; theo đó xây dựng các tình huống theo phân loại cấp độ dịch 4 cấp. Hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ cà phê niên vụ 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong bối cảnh dịch Covid-19”. Kế hoạch đề ra 3 tình huống đối với các địa phương và tình hình các cấp độ dịch bệnh xảy ra và đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng tình huống.
Hiện, giá cà phê thế giới tăng do nguồn cung bị thắt chặt và chi phí logictics ở mức cao. Dự báo xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn. Theo báo cáo của Cecafé, thị trường Brazil có thể chậm giao khoảng 5 triệu bao cà phê đã hợp đồng bán trước cuối năm 2021 do giá kỳ hạn và giá nội địa tăng cao, khiến người trồng cà phê nước này có động thái giữ hàng. Còn theo Công ty Tư vấn Archer Consulting, Brazil chỉ có thể xuất khẩu 21 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021/2022, giảm tới 55% so với niên vụ 2020/2021 do nguồn cung cạn kiệt.
Giá cà phê nội địa tăng theo giá thế giới. Giá cà phê hôm nay (ngày 29/11) tại huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng đang thu mua ở giá 40.800 đ/kg. Còn tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 41.600 đ/kg. Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay lần lượt thu mua ở mức 41.600 và 41.500 đ/kg. Giá cà phê hôm nay tại Chư Prông (Gia Lai) đang ở mức 41.500 đ/kg, ở Pleiku và La Grai cùng mức 41.400 đ/kg. Còn, giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 41.400 đ/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng tới. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển mặt hàng.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhận định, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại. Dự báo giá cà phê sẽ đạt đỉnh vào cuối năm. Tuy nhiên, giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.