Gia cầm tăng trưởng nóng: Mừng ít, lo nhiều!
Khảo sát của PV tại thị trường phía Bắc, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá trứng gà đã có dấu hiệu nhích lên. Hiện, giá trứng gà công nghiệp xuất bán ở các trại đang dao động xung quanh 1.700 đồng/quả; trứng gà ta 2.200 - 2.300 đồng/quả.
Với giá thành SX trứng gà công nghiệp hiện khoảng 1.500 đồng/quả, các trại gà chuyên trứng đã bắt đầu có lãi nhẹ |
Với giá thành SX (trứng gà công nghiệp) hiện khoảng 1.500 đồng/quả, các trại gà chuyên trứng đã bắt đầu có lãi nhẹ. Với trứng vịt, hiện giá bán đã nhích lên bình quân khoảng 2.100 - 2.200 đồng/quả, lãi nhẹ 300 - 400 đồng/quả...
Tuy nhiên, chuỗi thời gian giá trứng gia cầm các loại “chìm nghỉm” kéo dài suốt từ cuối năm 2018 đến nay đã khiến không ít người chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng.
Cụ thể, chỉ khoảng 1 tháng trở lại đây, giá trứng vịt, trứng gà mới tăng lên đáng kể, trong khi đó từ cuối năm 2018 đến tháng cuối tháng 6/2019, giá trứng gà chỉ xoay quanh điểm hòa vốn, những tháng đầu năm 2019 đã có thời điểm rớt xuống dưới 1.000 đồng/quả, trong khi trứng vịt cũng chỉ xoay quanh 1.500 đồng/quả (giá thành SX trứng vịt trung bình phải 1.700 đồng/quả)...
Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Các số liệu phân tích những năm gần đây cho thấy xu hướng tiêu dùng trong nước có sự tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm về gà luôn cao hơn các sản phẩm gia cầm khác. Trong đó, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng trứng gia cầm luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của đàn gia cầm cả nước, phản ánh xu hướng chuyển mạnh từ chăn nuôi gia cầm lấy thịt sang chăn nuôi gia cầm lấy trứng.
Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở giết mổ và chế biến gia cầm hiện đại nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu. Mặc dù Việt Nam đã có sản phẩm thịt gà XK sang thị trường Nhật, tuy nhiên số lượng còn quá bé.
Hiện cả nước mới chỉ có 4 - 5 doanh nghiệp có đầu tư bài bản khâu giết mổ gia cầm với quy mô công nghiệp, trong khi đó cũng như thịt lợn, thị hiếu tiêu dùng thịt gia cầm hầu hết đang là thịt nóng, tỉ lệ giết mổ thủ công vẫn đang chiếm áp đảo.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam ái ngại: Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam thời gian qua đã có những dấu hiệu phát triển quá nóng, khi mà gần đây, đã có hàng loạt các DN lớn đầu tư vào chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trên khắp cả nước, đặc biệt là các DN chăn nuôi gia cầm chuyên trứng.
Trong khi sản phẩm gia cầm Việt Nam chưa thể XK đáng kể, nhất là trứng các loại thì đều này đang tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất lớn, nếu không có các giải pháp nhằm “hãm phanh”, điều chỉnh định hướng đi cho phù hợp, kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm.
Ông Sơn dẫn chứng: Theo các dự báo, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm thế giới từ nay đến 2025 chỉ bình quân khoảng 2,1% đối với thịt và khoảng 1,8% đối với trứng. Trong khi đó từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng sản lượng thịt gia cầm luôn từ 3,5 đến 4%/năm, vượt rất nhiều so với mức tăng tiêu thụ bình quân của thế giới.
Đặc biệt đối với thịt gà, những năm qua luôn tăng trưởng ở mức từ 6 - 7%/năm, trứng tăng từ 8 - 9%/năm. Điều này đang tạo ra độ chênh khá lớn giữa tăng sản lượng và tăng nhu cầu tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ “cung” vượt “cầu” quá lớn.
Mức cung thịt gà những năm qua luôn tăng nóng |
Cũng theo ông Sơn, bất cập của ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ mặc dù tốc độ tăng trưởng cao, nhưng giá thành lại đang thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thế giới, nhất là các nước có thị phần lớn về gia cầm.
Vì vậy thời gian tới, chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cần phải có định hướng lại, thay vì phát triển nóng, tăng về số lượng quy mô đàn, cần chuyển hướng sang chất lượng, đi đôi với hạ giá thành SX. Đây cũng là xu thế của ngành chăn nuôi gia cầm thế giới khi mà các nước đều đang chuyển dần từ số lượng sang chất lượng bằng việc đưa ra các dòng sản phẩm đa dạng, chất lượng cao như gà tiêu chuẩn, gà chất lượng cao, gà nâng cao giá trị gia tăng, và “tới chóp” là gắn với thương hiệu, gắn với sản phẩm chế biến sâu...