Giá dầu hôm nay 29/3: Quay đầu giảm mạnh
Cụ thể, vào phiên giao dịch cuối ngày 28/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã rơi xuống mốc 113,1 USD/thùng, giảm 7,54 USD/thùng so với phiên giao dịch cuối tuần trước, tương đương với giảm 6,78%. Tương tự, giá dầu thô WTI cũng giảm còn 106,18 USD/thùng, giảm 7,72 USD so với phiên giao dịch cuối tuần trước, tương đương 6,78%.
Cả hai loại dầu thô này đều tăng 1,4% vào ngày thứ 6 25/3, ghi nhận tuần đầu tiên tăng trở lại sau 2 tuần giảm giá, với giá dầu Brent tăng 11,8% và WTI tăng 8,8%.
Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vừa tuyên bố phong toả thành phố vào ngày 28/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank – ông Carsten Fritsch phân tích quyết định này của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại việc trung tâm tài chính sẽ không chỉ phong toả lần này do chính sách zero Covid-19 nghiêm ngặt của nước này.
Bjarne Schieldrop - nhà phân tích hàng hóa chính tại ngân hàng SEB, cho biết nhu cầu dầu ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm 800.000 thùng / ngày trong tháng 4 so với mức "bình thường".
Bên cạnh đó, kỳ vọng về cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra trong ngày 29/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ theo thông báo của điện Kremlin cũng khiến giá dầu giảm.
Tuy nhiên, theo ông Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng tại Fujitomi Securities, giá dầu có thể sẽ tăng trở lại vào ngày 31/3 tới khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp. Tổ chức này vẫn phản đối các lời kêu gọi tăng sản lượng để giảm bớt gánh nặng nguồn cung như hiện nay và “ít có khả năng tăng sản lượng”, theo ông Kazuhiko.
Hiện nay, các kho dự trữ dầu chiến lược của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Để giảm bớt áp lực cho nguồn cung, Hoa Kỳ đang xem xét một đợt “xả” kho dầu từ Cục dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) mới. Tuy nhiên, số lượng dầu được đưa ra thị trường có lẽ sẽ bị hạn chế do số lượng dầu dự trữ vốn đã thấp.