Thị trường hàng hóa hôm nay 28/10: Giá dầu thô tăng mạnh 3 phiên liên tiếp, giá kim loại đồng loạt giảm Thị trường hàng hóa hôm nay 12/11: Nhập khẩu xăng dầu giảm, giá kim loại đồng tăng vọt |
Điều này được thể hiện bằng gam màu xám trong bức tranh tăng trưởng toàn cầu. Tuy vậy, với vai trò là một trong những chìa khoá chuyển đổi năng lượng xanh, nhu cầu về đồng trên thế giới, trong đó có Việt Nam được kỳ vọng có thể bùng nổ, kéo giá phục hồi mạnh. Là một trong những quốc gia tiêu thụ hàng đầu kim loại này, Việt Nam cũng cần chủ động đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai.
Giá đồng chịu áp lực giảm mạnh từ đầu năm 2023
Kể từ đầu năm tới nay, giá đồng biến động trong một xu hướng giảm rõ rệt. TheoSở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đồng hiện đang neo ở vùng giá 8.100 USD/tấn, giảm gần 14% so với mức đỉnh thiết lập vào giữa tháng 1, ở mức 9.400 USD/tấn.
Giá đồng COMEX từ đầu năm đến nay |
Nguyên nhân chính kéo giá đồng đi xuống là do nhu cầu tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới và chiếm hơn 50% trong tổng cơ cấu nhu cầu toàn cầu.
Bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc liên tục tung ra các gói chính sách hỗ trợ, tăng trưởng kinh tế nước này vẫn đi lên chậm chạp. Trong đó, lĩnh vực bất động sản vốn tiêu thụ một lượng lớn đồng lại chưa thoát khỏi khủng hoảng nên nhu cầu bị hạn chế.
Hơn nữa, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu gặp phải rào cản khi các Ngân hàng trung ương lớn liên tục đẩy lãi suất lên cao kỷ lục. Là kim loại đại diện cho hoạt động sản xuất toàn cầu, giá đồng cũng khó tránh khỏi xu hướng giảm sâu.
Xu hướng tăng giá là điều tất yếu, nhưng câu chuyện khó diễn ra sớm
Theo MXV, trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, nhiều khả năng giá đồng sẽ tiếp tục gặp áp lực trong ngắn hạn. Vào tháng 10, Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu đồng toàn cầu năm 2024 xuống 2,7% từ mức 2,9%.
“Nếu nhìn trong dài hạn, một khi thế giới giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo thì kim loại đồng sẽ trở thành vật liệu không thể thiếu cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp giá kim loại này thoát khỏi giảm sâu, thậm chí có thể tăng bền vững”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, nhận định.
S&P Global cho biết để đảm bảo đáp ứng được các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêu thụ đồng toàn cầu sẽ tăng lên 50 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030, gấp đôi so với hiện tại. Trong đó, xe điện sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu đồng trong lĩnh vực năng lượng xanh trong hai thập kỷ tới, chiếm 55%. Nguồn cung xe điện dự kiến sẽ tăng lên 145 triệu vào năm 2030, gấp 13 lần so với hiện tại.
Nhu cầu đồng trong việc lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió |
Không chỉ vậy, nhờ vào tính dẫn điện dẫn nhiệt hiệu quả cao, đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng tái tạo. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), so với năm 2020, nhu cầu đồng phục vụ cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp ba vào năm 2050. Ngoài ra, lượng đồng cần thiết để đáp ứng công suất lắp đặt 45.000 megawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2050 phải cần tới 432.000 tấn đồng, tăng 648% so với năm 2020.
Như vậy, kim loại đồng như cầu nối kéo gần thế giới với quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực kinh tế tăng trưởng chậm có thể khiến quá trình chuyển dịch năng lượng xanh diễn ra chậm hơn, do yêu cầu chi phí đầu tư rất lớn. Sự bùng nổ của giá đồng là điều tất yếu nhưng sẽ không phải là câu chuyện xảy ra một sớm một chiều.
Đảm bảo nguồn cung đồng để làm chủ quá trình xanh hóa
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi sang năng lượng xanh trên toàn cầu. Vào tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Quy hoạch điện VIII cũng ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện như điện gió, điện mặt trời.
Nhờ đó, nhu cầu tiêu thụ đồng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng cao song hành cùng kỷ nguyên “xanh hóa”. Cụ thể, tiêu thụ đồng tại Việt Nam vào năm 2050 được S&P Global dự báo sẽ đạt 16 triệu tấn/1.000 người, bằng với Trung Quốc. Vào năm 2022, con số này chỉ đạt 4 triệu tấn/1.000 người, thấp hơn 2,5 lần so với Trung Quốc.
Riêng đối với đồng tinh chế, nhu cầu tiêu thụ cũng chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc khi đạt 228.000 tấn vào năm 2022, tăng 159% so với năm 2013.
Nhu cầu tiêu thụ đồng tinh chế của Việt Nam |
Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu thụ đồng bùng nổ trong tương lai, trữ lượng đồng trên thế giới lại có hữu hạn, thị trường đồng có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. S&P Global cho biết thế giới có thể chứng kiến mức thâm hụt lịch sử lên tới 10 triệu tấn đồng vào năm 2035.
Trong khi đó tại nước ta, trữ lượng đồng rất thấp chỉ có khoảng 1,874 triệu tấn, trong đó, cấp trữ lượng là 441.002 tấn, cấp tài nguyên khoảng 983.843 tấn và tài nguyên dự báo khoảng 449.536 tấn. Việt Nam đã có thể tự khai thác được đồng và có nhiều nhà máy luyện đồng lớn với công suất khoảng 10.000 tấn/năm, nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu và vẫn phụ thuộc vào đồng nhập khẩu.
Điều này đặt ra bài toán cần phải chủ động đảm bảo nguồn cung đồng để làm chủ quá trình xanh hóa. Trong giai đoạn giá đồng đang thấp như hiện nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tăng cường nhập khẩu để tích trữ nguồn cung đồng giá tốt. Hơn nữa, để chủ động được nguồn cung đồng trong nước thì việc đầu tư cho hoạt động thăm dò, chế biến và khai thác đồng cũng cần được chú trọng.
Ngoài ra, đồng là một trong số ít vật liệu có thể được tái chế nhiều lần mà không làm giảm hiệu suất, do đó, việc tái chế đồng phế liệu cũng là một cách hữu hiệu để có thể tận dụng tối đa nguồn cung hiện có.