Mặc dù giá gas có tăng nhẹ, nhưng mức giá này đã giảm mạnh so với 2 hôm trước đó (6,75 USD/mmBTU).
Dữ liệu mới nhất được tổng hợp bởi Gas Infrastructure Europe cho biết các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 94%. Tổng nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng hàng tháng trong tháng 10, đạt khoảng 14 tỷ mét khối (bcm). Đây cũng là mức cao hơn gần 50% vào tháng 10/2021.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Bên cạnh đó, Bloomberg đưa tin, khí đốt tự nhiên của châu Âu giảm do thời tiết ôn hòa làm giảm nhu cầu sưởi ấm, qua đó giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử đã đẩy hóa đơn của người tiêu dùng lên mức kỷ lục.
Trong khi giá khí đốt đã giảm gần đây, vẫn cao hơn bình thường khoảng 3 lần. Theo công ty tư vấn năng lượng VaasaETT Ltd., các hộ gia đình châu Âu đang phải trả nhiều hơn bao giờ hết cho điện và khí đốt, ngay cả khi các chính phủ đã cam kết chi hơn 550 tỷ Euro để bảo vệ người tiêu dùng khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, do các lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow trong những tháng gần đây, nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đã giảm đáng kể, đồng thời,châu Âu tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế khác.
Trong đó, Mỹ đang là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu, tuy nhiên, tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ "tiêu chuẩn kép" khi bán khí đốt cho châu Âu với giá cao gấp nhiều lần thị trường nội địa.
Điều này, đang tạo ra “siêu lợi nhuận” không xứng đáng cho các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ và Na Uy, khi dòng chảy năng lượng từ các nhà cung cấp này tới châu Âu đã tăng mạnh kể từ khi nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine vào tháng 2.
Theo tờ Financial Times, chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu đã mở ra cơ hội kiếm “đậm” cho các công ty mua LNG từ Mỹ và bán sang châu Âu trong năm nay.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cho rằng các công ty năng lượng ở châu Âu mới chính là những người hưởng lợi đích thực từ giao dịch khí đốt hoá lỏng (LNG) giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đây là sự phản bác của Washington nhằm vào những chỉ trích cho rằng các nhà sản xuất khí đốt ở Bắc Mỹ đang trục lợi từ việc châu Âu ra sức xoay sở nhằm thay thế nguồn cung khí đốt Nga.
Ông Brad Crabtree - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, chính các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu mới đang hưởng lợi từ chênh lệch giá khí đốt giữa Mỹ và châu Âu, chứ không phải các nhà sản xuất khí đốt ở Mỹ.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.