Giá gas hôm nay 16/6: Vì sao giá khí đốt bật tăng trở lại?
So với mức kỷ lục mọi thời đại hơn 340 Euro/megawatt giờ thiết lập ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng vào tháng 8 năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn 90%. Cơ sở cho sự giảm nhiệt giá khí đốt này đó là châu Âu đã làm đầy được dự trữ khí đốt và giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Hiện các cơ sở dự trữ khí đốt của EU đã đầy gần 70%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch lo lắng rằng nhu cầu ngắn hạn gia tăng sẽ làm hỏng kế hoạch đó. Họ đề cập đến thời tiết nắng nóng hơn bình thường của những tháng mùa hè sẽ tiêu tốn nhiều khí đốt hơn cho việc làm mát, sự gia tăng của nhu cầu khí đốt ở châu Á, và rủi ro gián đoạn dòng chảy khí đốt Nga còn lại. Ngay cả trước đây, khi chiếm 90% nguồn cung khí đốt của châu Âu, khu vực này vẫn phải nhập thêm LNG trong những tháng mùa đông.
Thực tế cho thấy, giá khí đốt đã bật tăng trong những phiên gần đây, ngoài yếu tố do dự báo thời tiết nóng hơn, còn do sự gián đoạn nguồn cung kéo dài tại các mỏ khí đốt ở Na Uy. Ngoài ra, các nhà giao dịch lại bắt đầu lo ngại về vấn đề nguồn cung khí đốt nói chung của châu Âu, cho dù mức dự trữ khí đốt của khu vực đang ở mức rất cao so với bình quân của thời điểm này hàng năm.
“Mọi người đều biết rằng ngay khi lượng khí đốt dự trữ này bắt đầu được tiêu thụ và nếu các lô LNG tiếp tục chảy về phía châu Á, chúng ta sẽ quay lại tình huống hai năm trước” khi có sự cạnh tranh toàn cầu để giành giật LNG" - một nhà kinh doanh khí đốt nhận định.
EU ngày càng nhận thấy rằng họ có thể thích ứng mà không cần đến lượng khí đốt còn lại từ đường ống của Nga. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn nhận khí đốt tự nhiên qua đường ống, đặc biệt là Hungary, có thể tìm kiếm sự miễn trừ hoặc không đồng ý với lệnh cấm của EU.
Gazprom đã ngừng công bố số liệu về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Gã khổng lồ năng lượng nước Nga đã chứng kiến xuất khẩu sang châu Âu giảm mạnh kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, cắt giảm việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream tới Đức vào tháng 6, sau đó cắt nguồn cung thông qua Nord Stream vào đầu tháng 9, vài tuần trước khi xảy ra các vụ nổ tại các đường ống của Nord Stream ở biển Baltic vào cuối tháng 9.
Song trên thực tế, Nga vẫn đưa một lượng khí đốt tới châu Âu thông qua tuyến đường ống TurkStream quá cảnh qua Ukraine.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.