Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên số liệu vận chuyển hàng ngày của Gazprom được gửi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, nguồn cung cấp khí đốt của Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) cho châu Âu đã gia tăng.
Lo ngại về đảm bảo khí đốt trong mùa Đông 2023 |
Cụ thể, lượng khí đốt trung bình hàng ngày được vận chuyển đến châu Âu thông qua các tuyến đường này đã tăng lên 71,9 triệu mét khối (mcm) trong 15 ngày đầu tháng ba, so với mức trung bình 67,5 mcm trong tháng hai.
Sau khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe và Nord Stream đã bị dừng hoạt động vào năm 2022, các tuyến đường duy nhất để khí đốt của Nga tới châu Âu là phải đi qua đường ống TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ và qua Ukraine.
Mức dự trữ khí đốt chưa được sử dụng của châu Âu đang ở mức khoảng 60% - cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình thông thường vào thời điểm này trong năm, và giá khí đốt tiêu chuẩn của châu ÂU trên sàn giao dịch Hà Lan TTF đã giảm hơn 85% so với mức cao nhất vào tháng 8 năm ngoái, từ 340 euro/MWh xuống dưới 50 euro/MWh.
Châu Âu có thể "yên tâm" ở thời điểm này vì nhờ có mùa đông đặc biệt ấm áp, một chiến lược về đa dạng hóa nguồn cung được hoạch định tốt cùng các biện pháp giảm tiêu thụ, lục địa này đã tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng thảm khốc sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tuy nhiên “bóng ma” của một cuộc khủng hoảng khí đốt trong nay mai vẫn đang đe dọa châu lục này. Tờ Bild am Sonntag đưa tin, dẫn lời Mark Helfrich, thành viên của Ủy ban Quốc hội Đức về các vấn đề năng lượng đưa tin, Đức có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào mùa đông tới do khối lượng được đảm bảo theo các hợp đồng hiện tại đang giảm so với nhu cầu trong nước.
Trong một bức thư gửi Ủy ban Ngân sách, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã đề cập đến số liệu thống kê cho thấy các thỏa thuận khí đốt hiện tại cung cấp 75 tỉ mét khối LNG, trong khi nước này cần 86 tỉ mét khối để duy trì hoạt động của nền kinh tế lớn nhất EU. Do đó, Đức đang phải đối mặt thiếu hụt 11 tỉ mét khối LNG.
Cũng nhằm đảm bảo khí đốt trong mùa Đông 2023, mới đây, Cơ quan Điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) cho hay, các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Đông Australia có thể cần phải chuyển nguồn cung khí đốt dư thừa cho khách hàng trong nước để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm ẩn nào trong mùa Đông này ở miền Nam Australia.
AEMO thông báo mặc dù các cam kết sản xuất của ngành năng lượng đã tăng lên kể từ năm 2022, nhưng nguồn cung ở miền Nam Australia đang giảm nhanh chóng, làm tăng nguy cơ thiếu hụt trong ngắn hạn và thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn. Từ năm 2026, Australia yêu cầu các cam kết bổ sung để mở rộng nguồn cung cấp khí đốt hoặc có đủ các dự án năng lượng tái tạo để bù đắp nhu cầu khí đốt.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/3, giá gas của công ty này giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3, giá gas của thương hiệu này giảm 16.000 đồng/bình 12kg và 60.000 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12kg và 1.784.670 đồng/bình 45kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.