Giá gas hôm nay 24/5: Thế giới và trong nước tăng nhẹ Giá gas hôm nay 23/5: Tiếp tục giảm, nhu cầu khí đốt tự nhiên vẫn neo ở mức thấp |
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã giảm xuống mức trước xung đột Nga - Ukraina tháng 2/2022 khi Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, thay đổi mô hình mua hàng. Một trong những thay đổi là sự chuyển dịch một phần nguồn cung từ Australia sang Nga, nơi khí đốt rẻ hơn do nguy cơ bị phương Tây trừng phạt.
Giá giao ngay do Refinitiv tính toán đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á đã giảm xuống còn 9,8 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 USD kể từ tháng 5/2021. Giá đã giảm khoảng 90% kể từ khi chạm mức 70 USD vào mùa hè năm ngoái.
Sự sụt giảm tương tự đã được nhìn thấy trong hợp đồng tương lai khí đốt châu Âu. Giá giao hàng trong tháng tới của TTF Hà Lan chạm mức 29,75 euro (32 USD) mỗi megawatt giờ, lần đầu tiên xuống dưới 30 euro sau gần 2 năm.
Dữ liệu được tổng hợp bởi các nhà phân tích hàng hóa Kpler cho thấy, giá LNG giao ngay giảm đã chứng kiến nhu cầu tại các nhà nhập khẩu chính của châu Á ổn định. Khu vực này dự kiến sẽ nhập khẩu 20,81 triệu tấn nhiên liệu siêu lạnh trong tháng 5/2023, kết quả tương tự như đã được ghi nhận trong tháng 4 và giảm nhẹ so với 22,16 triệu của tháng 3.
Sự yếu đi theo mùa có thể thấy trong nhập khẩu tháng 5 của Nhật Bản giảm xuống mức dự kiến 4,24 triệu tấn từ 5 triệu trong tháng 4 và 5,55 triệu trong tháng 3.
Nhật Bản đã giành lại danh hiệu nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới từ Trung Quốc vào năm ngoái, do các cơ sở tiện ích của Trung Quốc phần lớn đã chọn không tham gia thị trường giao ngay khi giá tăng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Hiện tại, người mua Trung Quốc đã quay trở lại thị trường nhưng lượng mua của họ rất khiêm tốn cho đến năm 2023, với ước tính 5,23 triệu tấn dự kiến sẽ đến vào tháng 5, ít thay đổi so với 5,33 triệu của tháng 4 và 5,46 triệu của tháng 3.
Những người mua LNG nhạy cảm với giá ở Nam Á cũng đã quay trở lại thị trường giao ngay trong những tháng gần đây, với Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ 4 ở châu Á, dự kiến sẽ đạt 1,91 triệu tấn trong tháng 5.
Tuy nhiên, có vẻ như việc giảm giá giao ngay sẽ chỉ thúc đẩy nhu cầu từ tháng 6 trở đi và có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy điều này đã xảy ra.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau 2 tháng liên tiếp giảm mạnh. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và 2 lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.
Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.
Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.