Từ mức cao nhất trên 340 euro/Mwh vào cuối tháng 8/2022, hợp đồng tương lai khí đốt TTF của Hà Lan đã giảm khoảng 90%, do thời tiết ôn hòa và kho dự trữ dồi dào đã giúp làm dịu giá cả. Tuy nhiên, chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến khoảng năm 2025 khi nguồn cung toàn cầu mới xuất hiện.
Trạm tiếp nhận khí đốt ở Mecklenburg, Đức |
Các công ty châu Âu gần đây đang sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên hơn khi giá giảm xuống mức trước xung đột Nga-Ukraine và điều này cũng gây căng thẳng tiềm ẩn cho việc chuẩn bị cho một mùa Đông nữa với nguồn cung cấp hạn chế của Nga. Đơn cử, đầu tháng này, dữ liệu của Hà Lan cho thấy lĩnh vực khí đốt của nước này có mức tăng sử dụng hàng tuần lớn nhất trong năm nay.
Tốc độ phục hồi sẽ rất quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia trong khu vực sẵn sàng cho mùa Đông thứ hai mà không có đường ống dẫn khí đốt từ Nga. Theo Ngân hàng Thụy Điển SEB AB, nhu cầu phục hồi có thể đẩy giá khí đốt vượt qua 100 euro/MWh (109 USD) trong năm nay, từ khoảng 43 euro/MWh hiện nay và khiến các kho dự trữ khí đốt sụt giảm.
Nếu như năm ngoái, một số ngành sản xuất đã chuyển từ khí đốt sang nhiên liệu khác, nhưng năm nay họ đã chuyển từ dầu diesel hoặc nhiên liệu khác sang khí đốt, vì vậy, đã tạo ra nhu cầu bổ sung. Cùng với các nhà máy lọc dầu, các nhà máy hóa dầu cũng có thể dễ dàng sử dụng khí đốt trở lại để tạo ra năng lượng và nhiệt, khiến nhu cầu khí đốt tiếp tục gia tăng.
Mới đây, Văn phòng thống kê EU (Eurostat) thông tin, các quốc gia thuộc EU, cụ thể là Ý, Hy Lạp và Bulgaria, đã nhập khẩu khí đốt tự nhiên trị giá gần 15,6 tỷ euro từ Azerbaijan vào năm 2022. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu khí đốt tự nhiên Azerbaijan sang các nước EU chỉ ở mức 3,89 tỷ euro trong năm 2021.
Cụ thể, Ý đã chi 13,25 tỷ Euro mua khí đốt từ Azerbaijan vào năm 2022 (tăng khoảng 290% so với năm 2021), Hy Lạp mua 1,96 tỷ Euro khí đốt (tăng khoảng 320%), và con số này của Bulgaria là 383 triệu Euro (tăng gần 700%).
Azerbaijan đã tăng xuất khẩu khí đốt thêm 18% lên 22,3 tỷ m3 vào năm 2022, với 11,4 tỷ m3 khí đốt này được vận chuyển đến châu Âu.
Vào năm 2023, Azerbaijan có kế hoạch xuất khẩu hơn 24 tỷ mét khối khí đốt, trong đó có ít nhất 12 tỷ mét khối sang lục địa già. Các quốc gia châu Âu hiện đang mua khí đốt từ Azerbaijan là Ý, Hy Lạp, Bulgaria và Romania.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết, Nga muốn hoàn tất thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 với Trung Quốc trong năm nay.
Những điều khoản của hợp đồng đang được hoàn tất giữa tập đoàn năng lượng Gazprom và đối tác Trung Quốc là CNPC. Việc nghiên cứu đánh giá tính khả thi của đường ống đang được tiến hành. Đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 sẽ đi qua lãnh thổ của Mông Cổ.
"Chúng tôi hy vọng rằng 2 doanh nghiệp này sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay và tiến hành ký kết hợp đồng" - Phó Thủ tướng Nga nói.
Theo Reuters, đường ống Power of Siberia 2, nếu được xây dựng, sẽ có chiều dài 2.600 km cùng khả năng vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Trung Quốc. Đường ống này được Moscow xem là giải pháp thay thế cho sự sụt giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/3, giá gas của công ty này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3, giá gas của thương hiệu này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg và 60.000 đồng/bình 45 kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12 kg và 1.784.670 đồng/bình 45 kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.