Dự kiến quý I giảm khoảng 20%
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang lây truyền đến với nhiều quốc gia trên thế giới, đã ảnh hưởng đến nước ta nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.
Theo bà Nguyệt, biểu hiện rõ nhất là sức mua trên thị trường giảm, các doanh nghiệp thương mại, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi … lượng khách đến mua sắm giảm khoảng 30% so với tháng trước Tết, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, khu vui chơi lượng khách tham gia rất ít, dẫn đến doanh thu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ giảm khoảng 20%.
Trong tháng 1/2020 tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 6.547 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng 12/2019 (số tiền 340 tỷ), tháng 2/2020 là tháng cao điểm của dịch bệnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.625 tỷ đồng, giảm 15% so với tháng 1/2020 (số tiền là 922 tỷ), tháng 1 và 2/2020 giảm 1.262 tỷ. Dự kiến quý I giảm khoảng 20%.
Siêu thị Co.opmart Pleiku đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân |
Để hạn chế những tác động của dịch Covid-19 tác động đến hoạt động thương mại của tỉnh. Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã khẩn trương ban hành văn bản về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp, gửi đến các Sở, ban ngành liên quan; UBND các huyện thị xã thành phố và các doanh nghiệp, siêu thị…
"Sở chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị đánh giá khả năng dự trữ của các kho trong công tác bảo quản các sản phẩm thiết yếu, tăng cường công tác thu mua, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường nhân lực, nâng cao công suất của trang thiết bị để thu mua, chế biến và tiêu thụ hàng nông, thủy sản nhằm tăng cường hỗ trợ cho nông dân. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Quản lý thị Trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi ép giá trục lợi, gian lận thương mại, gây hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng" bà Nguyệt thông tin.
Hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết: Doanh nghiệp ở địa phương chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực tài chính cũng có hạn, tình hình dịch bệnh xảy ra đã tạo thêm phần khó khăn cho doanh nghiệp, sức mua chậm, đầu ra của sản phẩm bị hạn chế đã đến tốc độ luân chuyển đồng vốn quay không nhanh, thêm chi phí về lưu kho, lưu bãi.
Ngoài ra, kiến thức về thị trường cũng như các hoạt động về xúc tiến thương mại chưa được đầu tư đúng mức, thông tin trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau chưa được kết nối thường xuyên. Chính vì vậy, khi có sự cố dịch bệnh như vừa qua doanh nghiệp trở tay có phần khó khăn.
Để giải quyết khó khăn trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bằng các biện pháp như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay….
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại như tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, phát triển các hệ thống phân phối làm cầu nối sản xuất với tiêu dùng, nhằm kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới.