Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tháng 1 tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua
Ảnh minh họa. Nguồn Intertet |
Báo cáo của FAO nêu rõ, chỉ số giá của các nhóm hàng lương thực, thực phẩm cơ bản trong rổ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người dân trong tháng Giêng đã đạt 173,8 điểm, tăng 2,1% so với chỉ số giá cùng loại của tháng 12/2016 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá các nhóm hàng như: ngũ cốc, dầu thực vật và đường đã tăng với tỷ lệ khá cao và đây là tháng tăng giá thứ 6 liên tiếp, ngược với xu thế giảm giá trong 5 năm gần đây, trong đó đường là sản phẩm có mức tăng giá trung bình hàng tháng xếp cao nhất với tỷ lệ 9,9%, do triển vọng kém lạc quan về sản xuất tại các nước xuất khẩu chủ yếu như Brasil, Ấn Độ và Thái Lan.
Tiếp theo là giá nhóm hàng ngũ cốc với mức tăng là 3,4%. FAO giải thích, sở dĩ có sự tăng giá của nhóm hàng này là do tác động bất lợi của điều kiện thời tiết đối với sản xuất lúa mì, cũng như diện tích gieo trồng tại Mỹ sẽ thấp hơn so với niên vụ trước. Mặt khác nhu cầu về ngô của thế giới tăng cao và sự quan ngại về tình hình thu hoạch ngũ cốc tại các nước Nam Mỹ, đã ảnh hưởng đáng kể lên thị trường ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, giá gạo thế giới cũng đang trong xu hướng tăng, một phần do chương trình nhà nước về mua trữ lúa gạo của Chính phủ Ấn Độ đã làm cho lượng gạo dành để xuất khẩu sẽ giảm đáng kể.
Nhóm hàng dầu thực vật, tỷ lệ tăng giá cũng đã vượt 1,8%, do sự phục hồi về sản xuất dầu cọ tại các quốc gia Đông Nam Á diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Còn nhóm hàng thịt và sữa, giá không có nhiều biến động.
Báo cáo của FAO nhấn mạnh, lượng hàng ngũ cốc tồn kho của thế giới hiện nay vẫn tiếp tục ở mức cao với gần 681 triệu tấn và có thể đạt mức cao kỷ lục vào cuối niên vụ 2017, tuy nhiên sản lượng thu hoạch sẽ không đồng đều, vì giá tuy có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp, khiến các nhà nông Mỹ cắt giảm diện tích canh tác, ngược lại tại LB Nga, diện tích canh tác lúa mỳ dự kiến sẽ tăng cao và Chính phủ hy vọng sẽ có một vụ lúa mỳ bội thu trong năm nay./.