Giá một số thiết bị y tế tăng cao đột ngột, Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý
Những ngày qua, số ca F0 tại Hà Nội tăng cao, nhiều người dân chủ động mua kit test về xét nghiệm tại nhà khiến thị trường kit test nhanh Covid-19 cháy hàng. Giá các bộ sinh phẩm này liên tục nhảy múa mỗi nơi bán một giá và có chiều hướng khan hàng, gây khó khăn cho người dân khi lựa chọn sản phẩm sử dụng.
Khảo sát tại các cửa hàng thuốc, có hàng trăm loại test nhanh với mức giá từ 70.000 -150.000đồng/1 bộ tùy loại. Theo nhiều chủ cửa hàng thuốc, sau Tết Nguyên đán, giá các bộ test tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/bộ, thậm chí có mẫu tăng tới 20.000 đồng. Đặc biệt, thời gian gần đây, lượng F0 trên địa bàn tăng cao, một số cửa hàng thuốc còn "cháy hàng".
Không chỉ các cửa hàng thuốc, mặt hàng kit test nhanh Covid-19 cũng đang được mua bán sôi động trên các trang thương mại điện tử, nhóm rao vặt. Chỉ cần gõ từ khóa "kit test Covid-19" trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, Google… người sử dụng sẽ dễ dàng tìm thấy hàng ngàn bài đăng mua, bán phẩm này. Điều đáng nói là hầu hết những người bán các bộ xét nghiệm này đều không có chuyên môn về y tế, mà do lợi nhuận cao nên rủ nhau nhập về bán kiếm lời.
Mới đây, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra và bắt giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc. Vụ việc đang được cơ quan Hải quan tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định. Theo quy định, mặt hàng test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường "mạng" như facebook, zalo... một số "tiểu thương mạng" rao bán loại thuốc "ngoại" quảng cáo hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. Đơn cử, như thời gian gần đây, loại thuốc Liên hoa Thanh ôn được một số cư dân mạng "đổ xô" đi tìm. Theo lời quảng cáo trên facebook, Liên hoa Thanh ôn là thuốc y học cổ truyền duy nhất được chính phủ Trung Quốc khuyên dùng trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Thế nhưng trên bao bì loại thuốc này không hề có chữ tiếng Việt, liều lượng ra sao đều do người bán tự ý kê đơn.
Được biết, loại thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường, cũng như đưa vào phác đồ điều trị Covid-19. Việc người dân tự mua thuốc ngoài luồng điều trị dễ gây hệ lụy khôn lường. Thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm có thể gây ra tình trạng giả triệu chứng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng giai đoạn, bệnh có thể gây rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Trước tình trạng giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột ngột, lưu thông một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành), Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc số 113/QLTTHN-NVTH yêu cầu các Đội trưởng Đội QLTT tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 theo lĩnh vực, địa bàn.
Các Đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19, như: Bộ kit test nhanh kháng nguyên COVID-19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19... giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh Covid-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.
Đồng thời chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong quá trình thực thi công vụ, Cục QLTT yêu cầu công chức QLTT chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.