Bình ổn giá phân bón: Nên chăng giải quyết căn cơ vấn đề đầu ra nông sản? Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả |
Hiện, giá urê lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; Phân DAP ngưỡng 18.500-19.000 đồng/kg; NPK ngưỡng 16.000-16.500 đồng/kg... Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam về những kịch bản tại thị trường Việt Nam.
Hiện giá các loại phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm qua, do xung đột Nga - Ukraine và từ chênh lệch cung cầu trong nước. Giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón cũng tăng rất cao. Ông có nhận định gì về tình hình này?
Ông Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam |
Căng thẳng Nga - Ukraine làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại phân bón toàn cầu. Là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới và trên 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ chiến tranh giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh. Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD.
Trong khi đó năm 2019, Nga xuất khẩu 8,58 tỷ USD phân bón, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ bẩy của Nga. Riêng nitrat amon Nga xuất khẩu tới 50% lượng sản xuất, năm 2020 xuất sang Brazil hơn 10 triệu tấn phân bón trong đó có 7,5 triệu tấn nitrat amon. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh. Sau lệnh hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực. Ngày 10/3 Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết chính quyền Nga đã quyết định ngừng xuất khẩu phân bón.
Giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá lương thực, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cụ thể: Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate... Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong sáu tháng bằng cách cấp hạn ngạch xuất khẩu để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Ở trong nước. nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngày 10/3 Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết chính quyền Nga đã quyết định ngừng xuất khẩu phân bón |
Hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu. Thời gian tới mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus cũng như căng thẳng Nga - Ukraine.
Hiện Trung Quốc - một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới cũng đã siết chặt xuất khẩu phân bón; đồng thời loại bỏ các nhà máy sản xuất phân bón khỏi danh sách những công ty bị hạn chế vì tiêu thụ nhiều điện, qua đó đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm này không bị gián đoạn vì thiếu năng lượng. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc đã giảm 27,8%. Tại Việt Nam, trước tình hình giá phân bón trong nước tăng cao, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, để giảm nhiệt giá phân bón, hỗ trợ người nông dân, Chính phủ và các ban ngành chức năng cần có những giải pháp gì?
Giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất. Để ứng phó và thích nghi với vấn đề này, nhằm góp phần giảm giá phân bón, đảm bảo sản xuất có lãi một số giải pháp như sau nên được thực hiện:
Thứ nhất là tăng cường nguồn cung: Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực.
Năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK,….Hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn (bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ,..).
Thứ hai là ưu tiên nhu cầu trong nước: Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Thứ ba là xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu: Kinh nghiệm cho thấy khi đảm bảo tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân... Chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận. Vì thế cần tăng cường đầu tư sản xuất các loại phân bón, nhất là phân bón kali (MOP), SA (hiện nay mới có một doanh nghiệp sản xuất phân bón SOP, công suất còn nhỏ), các loại phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Thứ tư, về vấn đề văn bản quy phạm pháp luật: Về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, một số thủ tục hành chính gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp nên bãi bỏ.
Thứ năm là tăng cường công tác quản lý thị trường: Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát, tăng cường xử phạt để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, phân bón rởm.
Thứ sáu, trong công tác lưu thông hàng hóa: Các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất.
Với tình hình giá phân bón vẫn tiếp tục leo thang, đẩy gánh nặng lên vai người nông dân. Về lâu dài, ông có đưa ra khuyến nghị gì để khắc phục tình trạng này?
Giá phân bón cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân. Chi phí từ phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, tùy thuộc thời tiết, tùy thuộc thổ nhưỡng, dao động từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Để tìm cách giảm chi phí, trồng trọt có lãi, bà con nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Cần khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt.
Bà con cũng cần áp dụng triệt để khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 đúng khi bón phân: Bón đúng chủng loại phân; Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; Bón đúng nhu cầu sinh thái; Bón đúng vụ và thời tiết; Bón đúng phương pháp.
Ngoài các biện pháp đang thực hiện, ngành chức năng cũng nên nghĩ tới những chính sách cụ thể hỗ trợ để bà con nông dân mua được phân bón ở mức giá canh tác, trồng trọt có lợi nhuận phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!