Giá thép hôm nay ngày 18/3/2024: Trong nước giảm nhẹ; giá quặng sắt ở mức thấp
Giá thép trên sàn giao dịch
Giá thép hôm nay ngày 18/3/2024: Trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thanh cốt thép giao kỳ hạn tháng 5/2024 tiếp tục giảm 63 NDT/tấn (giảm 1,77%), xuống mức 3.490 NDT/tấn (484,97 USD/tấn).
Giá thép hôm nay ngày 18/3/2024: Tại thị trường trong nước giảm nhẹ; giá quặng sắt đang ở mức thấp nhất 6 tháng trở lại đây. |
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 45 NDT/tấn (giảm 1,2%), xuống mức 3.692 NDT/tấn (514,54 USD/tấn).
Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt tiếp tục giảm khi nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu. Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 5/2024 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc), giảm 3,46%, xuống mức 781,5 NTD/tấn (108,60 USD/tấn) - mức thấp nhất kể từ ngày 22/8/2023; tính chung trong tuần vừa qua giảm 11%.
Tương tự, trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Singapore (SGX), giá quặng sắt giao tháng 4/2024 giảm 3,52%, xuống mức 99,60 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ 1/6/2023; và giảm hơn 13,5% trong tuần qua.
Theo ngân hàng ANZ, triển vọng nhu cầu yếu hơn đang làm tăng khả năng các nhà máy thép tại Trung Quốc cắt giảm sản xuất thép, kéo theo đó là nhu cầu quặng sắt thấp hơn. Trong khi đó, lượng tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc đã lên mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây.
Dữ liệu của hãng tư vấn Mysteel cho thấy tồn kho quặng sắt tại 45 cảng lớn của Trung Quốc được khảo sát đã tăng 1% trong tuần lên khoảng 142,9 triệu tấn tính đến ngày 15/3.
Thị trường thép trong nước
Một số doanh nghiệp thép trong nước thông báo giảm giá từ ngày 15/3, cụ thể giảm 200.000 đồng/tấn đối với giá bán thép cuộn xây dựng. Đây là đợt giảm giá thép xây dựng chính thức thứ 2 sau đợt giảm ngày 11/3 trước đó của thị trường nội địa năm 2024.
Như vậy, sau 3 đợt tăng giá thép xây dựng trong tháng 1/2024, thị trường thép nội địa đã không nối lại được đà tăng giá sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán như kỳ vọng trước đó. Sang tháng 3, các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá bán thép theo diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hòa Phát Bình Định đã gửi thông báo tới khách hàng về điều chỉnh giá thép. Theo phía công ty, trong tình hình giá phôi thép, giá chi phí nguyên liệu vật liệu đầu vào biến động, công ty quyết định giảm giá sản phẩm thép cốt bê tông cán nóng. Do vậy, Hòa Phát Bình Định điều chỉnh giảm giá bán thép cây các loại mức 200.000 đồng/tấn.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - TIS) cũng đã có thông báo điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm cốt bê tông dạng cây thêm 200.000 đồng/tấn. Thời gian áp dụng từ 15/3/2024. Nguyên nhân giảm giá cũng do biến động của thị trường, phôi thép, thép phế và các nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Ngành thép có thể đối mặt với tình trạng thiếu phế liệu
Theo hãng tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG, Mỹ), nguồn cung sắt thép phế liệu toàn cầu đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu.
Theo BCG, nhu cầu phế liệu toàn cầu sẽ tăng khoảng 3,3% trong 8 năm tới, trong khi nguồn cung chỉ tăng khoảng 3%. Mức thặng dư 9 triệu tấn phế liệu trên toàn cầu hiện nay có thể trở thành thâm hụt 15 triệu tấn vào năm 2030 khi nhiều nhà sản xuất chuyển sang sản xuất thép dựa trên lò hồ quang điện sử dụng phế liệu thép tái chế để đáp ứng các mục tiêu khử carbon.
Tính theo khối lượng, phế liệu sẽ chiếm khoảng 50% hàm lượng sắt trong thép toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức 35% hiện nay. Vào thời điểm đó, mức tiêu thụ phế liệu hàng năm ở cả Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ cao hơn 40 - 50% so với hiện nay, phần lớn là để sản xuất thép.
BCG dự đoán thương mại phế liệu toàn cầu sẽ giảm khoảng 15%, xuống còn khoảng 93 triệu tấn vào năm 2030 khi lượng phế liệu sẵn có bị thắt chặt trong thập kỷ này.