Giá thịt lợn chợ dân sinh hạ nhiệt, sức mua thấp
Sức mua thấp
Sau một thời gian dài giảm, giá lợn hơi trên phạm vi cả nước vẫn chưa thể bật lên trên mức 50.000 đồng/kg. Trong ngày hôm nay (30/9), giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm rải rác trên phạm vi toàn quốc và dao động quanh ngưỡng 43.000 - 49.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại miền Bắc giá lợn hơi hôm nay chứng kiến giá thu mua đi ngang tại nhiều nơi và dao động trong khoảng 43.000 - 48.000 đồng/kg, trong đó, tiếp tục ghi nhận mức giảm giá 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua tại Hà Nội và Tuyên Quang và bán ở mức giá tương ứng 45.000 đồng/kg và 43.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã hạ nhiệt, tuy nhiên, sức mua thấp |
Tương tự, tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg, giảm rải rác tại một số tỉnh thành.
Cùng với đà giảm giá lợn hơi, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đồng loạt giảm mạnh sau khi Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg thay vì thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg trước đó.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội như: chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Hoàng Mai, chợ Mai Động (quận Hoàng Mai); chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng);… giá thịt lợn đang ở mức 80.000 - 120.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba rọi, thịt nạc vai ở mức mức 120.000 đồng/kg; thịt mông sấn 80.000 - 100.000 đồng/kg;… Trước đó, thời điểm Hà Nội vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (trước ngày 21/9), giá thịt lợn ở các chợ dân sinh vẫn ở mức cao, từ 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, giá thịt lợn hiện đang khá “mềm” là do giá lợn hơi giảm. Mặt khác, do lưu thông đi lại thuận lợi, các tiểu thương tại các chợ đều được bán hàng trở lại. Nguồn cung dồi dào nên giá cả hạ nhiệt. Tuy nhiên, sức mua của người dân thấp.
Chị Đỗ Phương Anh (đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi thường mua 2-3kg để sử dụng dần trong cả tuần. Đi chợ theo khung giờ cho phép, trong khi lượng tiểu thương bán tại chợ chỉ bằng 1/3 so với ngày thường, nên họ báo giá như thế nào mình mua như vậy, cũng không có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi hết giãn cách xã hội, mọi việc buôn bán trở lại như bình thường. Các sạp hàng thịt lợn đầy hàng. Chúng tôi cũng mua đủ dùng trong ngày. Giá cả giảm 1/3 so với thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân giá lợn hơi giảm trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, dù các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội tuy nhiên do nhà hàng, quán ăn, nhà máy, bếp ăn tập thể, trường học chưa hoạt động trở lại, trong khi đây là điểm tiêu thụ thịt lợn lớn ở các thành phố lớn. Do đó, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp.
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Văn Trọng nhắc đến là do trong suốt 2 tháng qua, đầu ra của lợn hơi bị tắc, khiến lượng lợn trên 120kg tồn đọng khoảng 30%, kéo theo giá lợn hơi giảm sâu. Trong đó, miền Trung ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá lợn hơi cao hơn một chút khoảng 2.000-4.000 đồng/kg so với khu vực miền Bắc và miền Nam.
“Hiện, tại Hà Nội, quán ăn mới được tạm thời bán mang về, trường học, bếp ăn công nghiệp chưa mở lại. Lượng lợn nuôi quá lứa giai đoạn vừa rồi còn tồn khoảng 30% và đang tiêu thụ dần, ngày 1 ngày 2 không thể hết được ngay. Việc này còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Ngoài yếu tố khách quan là dịch bệnh Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng giá lợn hơi giảm một phần do thịt lợn giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài tràn lan trên thị trường, ép giá thịt lợn trong nước giảm mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện nay vấn đề vận chuyển, lưu thông không còn đáng ngại, song nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp khiến giá lợn quá lứa trượt dốc trong thời gian này. Nhu cầu thả nuôi tái đàn của bà con nông dân sụt giảm. Cầu giảm đã kéo theo giá các loại con giống lao dốc.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, giá lợn giống nuôi thương phẩm loại 7kg đã đi qua thời kỳ đỉnh cao 3 triệu đồng/con, nay rớt giá còn 1,3 triệu đồng/con. Cùng hoàn cảnh, loại lợn hậu bị cũng ế ẩm dù nhiều công ty đang tăng cường khuyến mãi mua 10 tặng 1.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, điều cần giải quyết sớm là tiêu thụ lợn quá lứa để người dân tái đàn, đáp ứng nguồn cung cho Tết Nguyên đán. “Thời điểm này, người nuôi cần tái đàn gấp để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán. Nếu bước vào tháng 10 âm, người dân mới tái đàn thì có thể đến cuối năm có thể bán non khi lợn đạt 70 - 80 kg vì nhu cầu Tết tăng 10 - 15%”, ông Trọng khuyến nghị.
Cần có chính sách kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi
Trong khi giá lợn hơi giảm sâu, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mặc dù đã bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khiến người chăn nuôi khốn đốn. Theo các hộ chăn nuôi, giá lợn hơi phải đạt mức 55.000 đồng/kg thì mới hòa vốn.Với giá thức ăn như hiện nay, người nuôi đang lỗ khoảng 3 triệu đồng/con.
Hiện, có nhiều yếu tố thuận lợi cho tái đàn khi giá lợn giống đang ở mức thấp và dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Điều khó nhất đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ là nguồn vốn lưu động không nhiều, chi phí chăn nuôi cao hơn so với doanh nghiệp sản xuất theo hướng công nghiệp.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 8/2021 đạt 393 triệu USD, giảm 17,6% so với tháng 7 và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này vẫn tăng mạnh 30,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 3,3 tỷ USD.
Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, diễn ra sáng ngày 29/9, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) - cho biết, dịch Covid-19 đã gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu của sản phẩm chăn nuôi.
Riêng với mặt hàng thịt lợn, sau khi kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn trong nước tăng, kéo theo đó nguồn cung thịt lợn tăng nhưng do dịch bệnh nên tổng cầu giảm, giá lợn hơi giảm sâu so với cùng thời điểm năm 2020. Trong khi đó, chi phí đầu vào chăn nuôi lợn lại gia tăng, tác động lớn tới giá thành chăn nuôi. Người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ đối mặt nguy cơ thua lỗ, không dám tái đàn, ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn cho chu kỳ sau.
Trước tình hình trên, ông Dương Mạnh Hùng kiến nghị cần đảm bảo khâu sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đặc biệt, cần có chính sách phù hợp kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi như điều chỉnh thuế nhập khẩu ngô hạt, khô đậu tương.... Điều chỉnh thuế suất VAT với hàng hoá nhập khẩu là thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các bộ ngành cùng phối hợp để cắt giảm khâu trung gian, chú trọng sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng xuất khẩu.
Trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng, muốn cho người dân ổn định nguồn thức ăn đầu vào thì Nhà nước cần giải quyết bài toán tự chủ nguyên liệu trong nước và doanh nghiệp Việt tự sản xuất. Bên cạnh đó, hạn chế nhập khẩu lợn đông lạnh, có chính sách bảo hộ cho ngành chăn nuôi lợn mới có thể "cứu" nông dân lúc này.