Theo khảo sát của phóng viên Vuasanca tại các chợ dân sinh như Kim Liên, Thành Công, Gốc Đề,… giá thị lợn ba dọi ở mức 170.000 đồng/kg, rẻ sườn lợn ở mức 170.000 - 180.000 đồng/kg, nạc thăn 160.000 đồng/kg....
Phản ánh của các tiểu thương tại các chợ cho biết, mỗi tạ lợn móc hàm giá tăng cả triệu bạc. Mấy hôm nay, giá tăngtừng ngày, hiện, lợn hơi lên mức xấp xỉ 90.000 đồng/kg, lợn móc hàm cũng ở mức xấp xỉ 130.000 đồng/kg. Giá thị lợn tăng, khiến việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn do người mua ít, chuyển sang ăn các thực phẩm khác như: tôm, cá, gà….
Giá thịt lợn tăng ngược trở lại |
Đang lựa chọn miếng thịt lợn ba dọi, khi hỏi đến giá, chị Nguyễn Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cảm thấy giật mình. “Thấy thông tin trước đó thịt lợn đã hạ nhiệt mà nay lại tăng cao ngang Tết Nguyên đán 70.000 đồng với hơn 4 lạng thịt ba dọi. Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc chế biến được nhiều món phù hợp khẩu vị của trẻ con. Dù cũng tính chuyển sang các thực phẩm thay thế khác nhưng cũng chỉ được 1 bữa. Thịt lợn đắt thì ăn ít đi chứ cũng không biết phải làm sao", chị Trang cho biết.
Hiện, giá lợn hơi tại các trại thuộc một số tỉnh miền Bắc đã lên mức 85.000 - 87.000 đồng/kg, trong khi trước đó mấy ngày, giá chỉ ở mức 80.000 - 81.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội, giá tăng lên mức 85.000 - 87.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên ở mức 85.000 - 86.000 đồng/kg. Tại tỉnh Hòa Bình, giá lợn hơi ở mức 85.000 đồng/kg. Tại các tỉnh: Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc..., giá cũng đang ở mức cao, dao động từ 86.000 - 88.000 đồng/kg.
Cùng với đà tăng của miền Bắc, giá lợn hơi ngày 2/3 ở nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng có dấu hiệu tăng. Cụ thể, giá lợn hơi ở Thanh Hóa, Nghệ An đạt 85.000 - 87.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ổn định ở mức 80.000 đồng/kg.
Lý giải vì sao giá lợn hơi tăng đột biến, một thương lái cho biết, do số lượng lợn doanh nghiệp xuất bán không nhiều, thương lái khó tiếp cận, nên khi ra đến thị trường lợn phải chênh lên vài giá trong khi lợn trong dân không có nhiều nên giá bị đẩy lên cao. Nếu tình trạng khan hiếm còn kéo dài, giá lợn hơi có thể sẽ lập đỉnh mới.
Theo nhận định của các chủ trang trại, giá lợn hơi tăng mạnh thời điểm này là do thiếu nguồn cung; các trang trại chưa tái đàn mạnh do khan hiếm con giống. Một số trang trại mới tái đàn, lợn nuôi chưa đủ lớn để bán, dự kiến 3 - 4 tháng nữa mới được xuất chuồng, khi đó nguồn cung chắc chắn bớt căng thẳng.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Dự báo, sản lượng sẽ tăng cao từ tháng 2/2019 và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế giá lợn hơi đang diễn biến khá phức tạp, giá thịt lợn các loại vẫn neo ở mức cao, người tiêu dùng phải mua thịt với giá tương đối đắt đỏ.
Theo các chuyên gia, đặc điểm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, chiếm khoảng 65 - 70% về đầu con. Do đó, việc tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các thương lái thu mua và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương lái nhỏ lẻ ở khâu trung gian gặp nhiều khó khăn.