Anh Đặng Tường Khanh và các đồng nghiệp kiểm tra sản phẩm chocolate trước khi đưa ra thị trường |
Giấc mơ của cha, con kế nghiệp
Anh Khanh kể: Ý tưởng thành lập công ty sản xuất ca cao mà tôi đang điều hành vốn là của ba tôi - ông Đặng Tường Khâm. Ba tôi xuất thân là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú của Quân khu 7, sau khi về hưu, ông đã chọn vùng đất Tân Phú (huyện vùng xa của tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng) là nơi an dưỡng tuổi già vì nơi đây khí hậu khá mát mẻ, ôn hòa.
Vốn là một người lính - đảng viên năng động nên ông không muốn tuổi già của mình trôi qua vô nghĩa, vì thế năm 2005 - ở tuổi 73 ông đã bước chân vào lĩnh vực ca cao dù nghề thầy thuốc cũng giúp ông đủ dư dả để nuôi sống gia đình.
Đến năm 2006, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được thành lập tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, do ba tôi và anh trai tôi trực tiếp điều hành. Trọng tâm phát triển vùng nguyên liệu của công ty là ở các huyện: Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai); Đạ Hoai, Đạ Tẻ và Cát Tiên (Lâm Đồng); Đức Linh và Tánh Linh (Bình Thuận).
Với chủ trương chủ động vùng nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm, từ vài ha ca cao của gia đình, ba tôi đã liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu lên 1.000ha vào năm 2010. Thời điểm đó, ba tôi đã dành phần lớn số tiền tích lũy để mua cây giống, sau đó bán lại cho nông dân với giá 6.000 đồng/cây. Nông dân chỉ phải trả trước một nửa, nửa còn lại sẽ trả sau khi thu hoạch. Tuy nhiên do diện tích trồng ca cao tăng quá nhanh khiến công tác kỹ thuật không theo kịp để tư vấn cho nông dân, dẫn đến cây phát triển không như mong đợi, cộng với sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như điều, tiêu nên người dân đã chặt bỏ cây ca cao.
Anh Khanh nhớ lại: Năm 2010, đúng vào thời điểm ca cao rớt giá, rơi vào khủng hoảng thì anh tôi bị tai biến không thể điều hành công ty cùng ba. Lúc đó tôi mới bước chân vào lĩnh vực này. Thời gian đầu, tôi vẫn đi theo hướng như ba tôi đã làm trước đó song cách làm này không có hiệu quả. Đến cuối năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu mà chúng tôi xây dựng giảm chỉ còn 160ha, số vốn đã cung cấp cho nông dân cũng bị mất trắng.
Tôi nghĩ nếu chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp cây giống hay phân bón cho nông dân thì họ vẫn sẽ mãi bấp bênh, vì không có đầu ra ổn định. Năm 2014, tôi đã quyết định “bao tiêu” toàn bộ sản phẩm cho nông dân hợp tác với mình với giá thu mua ổn định suốt năm là 6.300 đồng/kg ca cao tươi. Bằng cách đó, mỗi ha ca cao của người dân sẽ thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí cũng còn lời 150 triệu đồng và người dân sẽ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp hơn.
Anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức giới thiệu công nghệ sản xuất phụ phẩm ca cao cho một đối tác Bỉ |
Đưa ca cao “Made in Vietnam” ra thế giới
Theo anh Khanh, việc ký hợp đồng bao tiêu giá là một quyết định liều lĩnh vì lúc này Trọng Đức quy mô vẫn còn nhỏ, công nghệ lại hạn chế. Trong khi đó, để bao tiêu giá tốt cho nông dân, Trọng Đức phải đầu tư chế biến sâu và tận dụng hết các phụ phẩm từ trái ca cao. Vì thế nửa cuối năm 2014, thay vì chỉ xuất thô ca cao và làm rượu vang, Khanh đã mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm chocolate và một số phụ phẩm khác; đồng thời hướng dẫn nông dân trồng ca cao theo chuẩn UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao) để tiến tới xuất khẩu.
Khanh phân tích: Cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô và nếu đem xuất thô chỉ có thể thu về 72 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đem ép cơm ca cao sẽ thu được 500kg nước cốt ca cao. Một kilogam này có thể làm 20 chai rượu (loại 750ml) bán với giá 160.000 đồng/chai, tương ứng sẽ thu được 1,6 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ đồng/tấn cốt ca cao). Chưa kể vỏ ca cao còn có thể chế biến thành phân hữu cơ, giá thể hoặc vật liệu thủ công mỹ nghệ.
Cùng thời điểm này, Khanh đã liên kết với đối tác Nhật Bản để mở Công ty Kenkyusho - liên doanh giữa Trọng Đức và một doanh nghiệp Nhật, được thành lập tại Singapore, trong đó, Trọng Đức chuyên về nguyên liệu - sản xuất, người Nhật sẽ lo mảng thị trường. Đến tháng 3/2016, những thanh chocolate đầu tiên của Kenkyusho được đưa ra thị trường và nhận những phản hồi tích cực của người tiêu dùng (hiện có 300kg chocolate được xuất vào Nhật Bản mỗi tháng).
Thừa thắng xông lên, Khanh tiếp tục làm việc với một số khách hàng Hàn Quốc và kết quả thu được cũng khả quan. Tới nay những các sản phẩm bột ca cao, chocolate “Made in Vietnam” của công ty xuất khẩu qua Hàn Quốc đạt doanh thu khoảng 600.000 USD.
Từ chỗ diện tích ca cao ít ỏi 160ha và doanh thu 8 tỷ đồng năm 2014, con số này đã tăng gấp đôi trong năm 2015 nhờ đa dạng sản phẩm và gia tăng giá trị với 11 chủng loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn UTZ. Kết thúc năm 2017, doanh thu của Trọng Đức đã đạt 40 tỷ đồng, diện tích trồng ca cao cũng được tăng lên gần 500ha (trong đó có 260ha trồng theo chuẩn UTZ) mang lại thu nhập ổn định cho gần 500 hộ nông dân.
Trong năm 2018, Khanh sẽ tiếp tục nhân rộng thêm khoảng 200ha diện tích trồng ca cao cho bà con để mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Khanh luôn ấp ủ “làm nông nghiệp là phải đầu tư vào chế biến sâu giúp người nông dân không phải làm nô lệ kiểu mới”. Muốn làm được vậy, Khanh sẽ mở rộng quy mô nhà máy lên công suất trên 1.000 tấn/năm thay vì làm nhỏ lẻ và thủ công như hiện nay.
Có thể nói, từ giấc mơ của cha, Khanh đã từng bước hiện thực hóa để không chỉ đem lại cho anh nguồn lợi về kinh tế mà còn mang hơi ấm mùa xuân đến cho hàng trăm hộ nông dân Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Thuận. Song cái tầm Khanh muốn xây dựng không dừng lại ở đây mà là xây dựng một tập đoàn ca cao lớn mạnh - nơi lợi ích của nông dân được đặt lên trên hết, để người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Đánh giá về mô hình mà Khanh đang thực hiện, ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai - cho biết: ca cao vốn là cây trồng xóa nghèo của Đồng Nai song thời gian qua không ít lần rơi vào cảnh được mùa mất giá, người dân trồng - chặt. Việc Khanh đầu tư chế biến sâu cho ca cao là hướng đi tốt không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn nâng cao giá trị của cây ca cao. Tỉnh đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm như Khanh và đang hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô để nhiều người dân được hưởng lợi theo. |