Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Yêu cầu cấp thiết Ngành công nghiệp điện tử: Thiếu lao động có kỹ năng Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Đảm bảo đúng định hướng |
Thiếu lao động có tay nghề
Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi và đi vào quỹ đạo, song nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp trở ngại về việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề, chất lượng cao.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Donny cho biết, công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề và tay nghề cao với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Người lao động hiện nay có nhu cầu ứng tuyển khá nhiều nhưng để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng tay nghề vẫn còn thiếu. Đặc biệt là công nhân ngành may mặc.
Theo ông Phạm Quang Anh, công nhân may có tay nghề cao được doanh nghiệp tuyển dụng quanh năm. Vì không chỉ có doanh nghiệp của ông mà đa số các công ty may trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều có mong muốn tuyển dụng được họ. Ngoài việc trả lương hấp dẫn, xứng đáng với tay nghề, công ty cũng tạo điều kiện để người lao động có thể phát triển bản thân, nâng cao thu nhập tối đa và các chế độ đãi ngộ, thưởng đảm bảo.
Tương tự, với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh cho rằng các doanh nghiệp không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo."Giờ chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng hỏi các trường đều không đủ”, ông Khánh cho biết
Theo ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng tại doanh nghiệp hiện nay rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, trình độ khác nhau. Đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao thành phố có nhiều biến động. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tập trung ở các lĩnh vực thiết kế máy tự động hóa, thiết kế điện, chuyên viên, nhân viên gia công cơ khí, điện, điện tử…
Nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp trở ngại về việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề, chất lượng cao |
Cũng theo ông Nguyễn Đức Huy, thị trường lao động tuy có nhiều sinh viên mới ra trường nhưng chỉ đáp ứng 50 - 60% yêu cầu công việc. Nếu tuyển dụng, doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại từ 4 - 6 tháng sau đó tiếp tục các chương trình tu nghiệp, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận những công nghệ mới, sản phẩm mới… nhất là trong bối cảnh thực hiện số hóa sản xuất mạnh mẽ như hiện nay.
Theo đó chỉ tính riêng ở TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn từ nay đến cuối năm nhu cầu tuyển dụng là khá lớn. Cụ thể, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của thành phố vào khoảng 136.000 - 150.000 người. Nhu cầu lao động tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 65,41%), công nghiệp - xây dựng (33,63%) và nông, lâm, thủy sản (0,96%).
Kết nối chặt chẽ cung - cầu
Theo ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, điều quan trọng hiện nay là phải cân đối ngành đào tạo tại các trường cho phù hợp với nhu cầu thực tế về lao động. Trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào ngành bao bì, do đo nhu cầu lao động nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại đang chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tương tự với hoạt động tái chế, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn.
"Nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các ngành xuất khẩu đem về ngoại tệ, hoặc những ngành doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư nhằm dễ đáp ứng nguồn cung, thừa hưởng công nghệ khi họ rút đi", ông Trần Việt Anh nói.
Còn theo ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, để thị trường lao động có sự cân đối cung cầu nhất là trong bối cảnh mới, các ngành sản xuất hồi phục nhanh sau đại dịch người lao động cần cập nhật kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn trong quá trình tuyển dụng hay làm việc tại doanh nghiệp; các sinh viên mới ra trường không bỡ ngỡ khi đi thực tập thực tế, dễ dàng hòa nhập trong những ngày đầu bắt đầu làm việc trong môi trường doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc trong môi trường số hóa, tự động hóa.
Ngoài ra, cần kết nối cung - cầu lao động chặt chẽ, kịp thời giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động, đồng thời với tăng cường hơn nữa các hoạt động đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm... nhằm giúp người lao động sau đại dịch tiếp cận các chính sách, chủ trương phát triển thị trường lao động của các địa phương, của doanh nghiệp. Qua đó, người lao động có thêm cơ hội tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, góp phần khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội ổn định, bền vững.
Ông Trần Chí Dũng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH trường hàng không và logistics Việt Nam cho rằng, một trong các giải pháp giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực công nghệ cao chính là thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn sinh viên thực hành để sớm tiếp cận công nghệ mới ngay trên giảng đường, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, để sinh viên khi ra trường có thể hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại”, ông Trần Chí Dũng nhấn mạnh