Nguồn nhân lực cần cho ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0 |
Thông tin trên được ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội thảo: “Tương lai việc làm trong nền kinh tế số” và công bố “Nền tảng nhân lực số” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và NIC tổ chức vào ngày 21/6 tại Hà Nội.
Hội thảo: “Tương lai việc làm trong nền kinh tế số” và công bố “Nền tảng nhân lực số” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và NIC tổ chức vào ngày 21/6 tại Hà Nội |
Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, đang tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu hướng phát triển mới trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số đang trở nên cấp thiết.
Đặc biệt, theo ông Vũ Quốc Huy, trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, nhu cầu rút ngắn và xóa bỏ khoảng cách này ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2023 là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.”.
Do đó, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực số là nhu cầu bức thiết của thực tiễn Việt Nam hiện nay. Trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là sự khẳng định của Chính phủ về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn tới.
Nói về cơ hội việc làm trong nền kinh tế số, ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu USAID WISE cho rằng: Hiện chúng ta có 2 nền kinh tế, một nền kinh tế truyền thống và 1 nền kinh tế số hay còn gọi là nền kinh tế mới. Trong đó, nền kinh tế truyền thống hiện nay nhiều người đang đối diện với nguy cơ mất việc làm, nhưng với nền kinh tế số thì nhu cầu việc làm đang rất lớn. Các công ty liên tục tuyển dụng, chính sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi trong tập quán tiêu dùng đã tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho nền kinh tế số.
Chính sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi trong tập quán tiêu dùng đã tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho nền kinh tế số |
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ông Phan Vinh Quang cũng cho rằng: Việc làm trong nền kinh tế số cũng đối diện với không ít thách thức, bởi công nghệ hiện nay biến đổi rất nhanh, tại thời điểm này công việc này đang trở thành xu hướng, nhưng nếu không nâng cấp, thay đổi và cập nhật thêm kiến thức mới thì sẽ trở nên lạc hậu trong một thời gian ngắn, đòi hỏi các bạn trẻ phải luôn cập nhật kỹ năng, kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh công nghệ có nhiều thay đổi.
Theo đó, để giải bài toán nhân lực số, NIC đã phối hợp với USAID thông qua hoạt động Nguồn nhân lực Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp (USAID WISE) để phát triển chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó NIC là đơn vị tổ chức và điều phối chính trong các hoạt động của chương trình này.
Chương trình đối tác phát triển nguồn nhân lực cung cấp nhiều khóa đào tạo (TOT) cho giảng viên các trường trên cả nước về các lĩnh vực liên quan như: An ninh mạng, lập trình Python, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… bên cạnh đó, phát triển nền tảng nhân lực số cũng là một trong các hoạt động quan trọng của chương trình với mục tiêu tổng hợp và chia sẻ các thông tin về vị trí công việc, mức lương các kỹ năng và chứng chỉ cần thiết tương ứng liên quan đến các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo ông Phan Vinh Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu USAID WISE: Nền tảng nhân lực số (//nhanlucso.org.vn) được NIC và USAID công bố muốn đưa ra một bức tranh về các kỹ năng và mức lương tương ứng với kỹ năng việc làm trong nền kinh tế số, từ đó các bạn trẻ khi tìm kiếm con đường sự nghiệp, cơ hội học tập có thể định hình tốt hơn về tương lai của mình, kỹ năng cần phải học để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế số.
Tuy nhiên, để giải bài toán nhân lực trong nền kinh tế số, ông Phan Quang Vinh cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi bắt đầu từ khâu đào tạo, bởi nói về khả năng tư duy của lao động Việt Nam thì khá tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì lại hạn chế, đặc biệt khả năng làm việc theo nhóm và khả năng ngoại ngữ cũng còn những tồn tại. Theo đó, nếu đào tạo khắc phục được vấn đề này, thì nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ rất phù hợp với nền kinh tế số.
Để phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, thời gian qua, NIC đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phối hợp với một số công ty nhân sự uy tín của Việt Nam là: Navigos, Vietnamworks, TopCV, JobHopin … xây dựng nền tảng nhân lực số. Đây cũng là một trong những nền tảng đầu tiên cung cấp chi tiết các thông tin chi tiết về nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. |