Đây cũng là nội dung hội thảo "Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân" do Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 31/12/2021, tại Hà Nội.
Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân ở khu công nghiệp, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh khu công nghiệp) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2,58 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 lao động.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.
Đại dịch Covid 19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.
Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều “thời chiến” để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách và thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp liên quan đến bảo đảm đời sống công nhân.
Tại hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, tại các khu công nghiệp, mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
“Do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện có tới 55% công nhân trong các khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ. Một số địa bàn xung quanh các khu công nghiệp đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh”- vị chuyên gia này nhìn nhận.
Ồng Chính đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Trong khi đó, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu giải pháp cần quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp (miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…) mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân.
Cùng đó sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Ông Trần Đức Lợi - Tổng giám đốc Tập đoàn Sakae Việt Nam - đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình tại Việt Nam về nhà ở công nhân dựa trên sự nghiên cứu những điểm tương đồng với thị trường Singapore.
Theo đó việc áp dụng mô hình phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư tương đồng như đã thực hiện tại Singapore sẽ khả thi cao và đem lại lợi ích lớn cho các địa phương tham gia. Đặc biệt mô hình này sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia vào lĩnh vực phát triển nhà ở cho đối tượng này.
Các nguyên tắc quy hoạch chính được vị chuyên gia này nêu lên gồm: Khu vực phát triển tích hợp với kết nối không đứt đoạn; đô thị đáng sống và dành cho người đi bộ; không gian sử dụng hỗn hợp nén và sôi động; bền vững về môi trường.
Theo TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo này, Tổng hội Xây dựng sẽ có văn bản gửi tới Chính phủ và các ban ngành liên quan đề xuất các vấn đề liên quan.