Giải bài toán thiếu điện: Kiểm soát nhu cầu Giải bài toán thiếu điện: Cách nào? |
"Áp lực" trong cung ứng điện
Chia sẻ về những áp lực trong cung ứng điện hiện nay, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, từ các tháng 3, 4 năm 2023 bắt đầu xuất hiện những điểm khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống điện. Tình hình đặc biệt căng thẳng bắt đầu vào cuối tháng 5 với phụ tải sử dụng điện tăng đột biến.
Từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn. Sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng như các nước khác trên thế giới, việc thiếu điện ở Việt Nam liên quan rất lớn đến tình trạng El Nino.
Ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia |
Hàng loạt hồ thủy điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các thủy điện các nhà máy nhiệt điện cũng gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài.
Đặc biệt, tháng 6, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao trong khi hạn hán căng thẳng. Theo thông lệ, hồ Lai Châu, ở vị trí trên cùng dòng sông Đà, trong vòng 100 năm thì có một năm hạn hán với lượng nước về đạt 180m3/s. Tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận được mấy ngày gần đây, lưu lượng nước về đạt khoảng 130m3/s. Ngoài ra, còn nhiều hồ lớn khác có mực nước bằng hoặc dưới mực nước chết.
Hiện, còn duy nhất hồ Hòa Bình giữ được nước, bảo đảm cung cấp điện. Còn tại các nhà máy nhiệt điện, do vận hành kéo dài trong nắng nóng nên nhiều tổ máy phát sinh sự cố, bắt buộc phải giảm công suất, càng gây thiếu hụt điện.
Thêm khó khăn nữa trong việc cung ứng điện hiện nay, việc nhập khẩu điện hiện nay cũng không hề dễ dàng khi việc bán điện từ Trung Quốc và Lào đều gặp khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện của Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, điện nhập khẩu từ Trung Quốc về chỉ khoảng 4 triệu kWh/ngày, nhập từ Lào về hơn 7 triệu kWh/ngày. Điện nhập khẩu chiếm rất thấp, khoảng 1,3% trên tổng lượng điện tiêu thụ gần 900 triệu kWh/ngày. Việc nhập khẩu điện được thực hiện từ năm 2005 đến nay và vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên những ngày qua, lượng điện Trung Quốc bán cho Việt Nam cũng suy giảm nhiều.
"Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện trên toàn quốc, kể cả các nguồn điện chạy dầu ở mức trên 5.000 đồng/kWh" - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thông tin. |
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho biết: Lý do thiếu điện vì gần như miền Bắc không có nguồn cung điện mới. Giai đoạn 2019, các chuyên gia đã thảo luận về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo ở miền Bắc. Lúc đó, cơ chế giá FIT (giá ưu đãi) lần thứ 2 cho điện mặt trời chưa được ban hành. Trong một dự thảo do Bộ Công Thương đưa ra đã có nêu vấn đề cần phải phân vùng để có ưu đãi giá khác nhau.
Ông Hà Đăng Sơn dẫn chứng: "Ví dụ các khu vực thuận lợi đầu tư, nắng tốt nhưng nghẽn về lưới truyền tải thì nên hạn chế bằng giá FIT thấp. Thay vào đó ưu tiên cho khu vực miền Bắc, khu vực khó khăn, không thuận lợi bằng giá FIT cao hơn. Nhưng dự thảo này không được thông qua".
“Chúng tôi không biết làm sao những phân tích, đánh giá, đề xuất đó không được chấp nhận và chúng ta có giá FIT 2 ngang bằng giữa khu vực miền Bắc với nơi khác. Điều này dẫn đến vấn đề nhà đầu tư nhìn nhận rõ ràng xây dựng ở miền Bắc khó khăn hơn nhiều, nắng kém hơn khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, nên họ tiếp tục dồn vốn vào các dự án điện mặt trời, sau là điện gió về những khu vực Tây Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị nghẽn truyền tải rất lớn. Đó là lý do có lượng nguồn điện mới rất lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả”, ông Sơn nêu.
Cần sự chung tay của các bộ, ngành
Để thúc đẩy phát triển hệ thống truyền tải điện, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, theo các chuyên gia nhận định, việc cần làm ngay là phải sớm gỡ rào cản cơ chế, dám chịu trách nhiệm và gỡ nút thắt về nguồn, về đầu tư.
Bàn luận về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Tổng Giám đốc EVN cho biết, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 mất rất nhiều thời gian, nhưng đến mạch 2 nhanh hơn rất nhiều do cơ chế chính sách ưu đãi, thuận tiện.
"Tuy nhiên, hiện để làm đường dây từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra đến Phố Nối (Hưng Yên), các thủ tục sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi với Luật Đầu tư hiện nay, riêng việc xác định chủ đầu tư, thủ tục đầu tư, các loại chứng nhận cũng là một vấn đề nan giải" - ông Lâm nhận định.
"Việt Nam đang trong một giai đoạn rất khó khăn để lựa chọn trong những năm tới sẽ chọn phương án nào để đầu tư và phân bổ nguồn điện ở các vùng" - Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh cho biết. |
Ông Lâm cho biết thêm, đây cũng là lý do EVN giao cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm sao để tháo gỡ, để ngay lập tức khi Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8, EVN và EVNNPT có thể triển khai ngay việc này.
Góp ý thêm, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh cho biết, Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh. Nếu theo Luật Quy hoạch, chỉ có 4 điều được quy định liên quan đến quy hoạch điện và không có bất kỳ hướng dẫn nào đi kèm.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hướng dẫn các bộ liên quan đến việc triển khai các quy định về quy hoạch với ngành điện. Tôi chưa nhìn thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở đâu”, ông Sơn nói.
Mặc dù trong Quyết định 500 của Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch điện 8 cho biết tạo điều kiện tối đa, không hạn chế với các dự án điện mặt trời mái nhà, không nối lưới, tức tự dùng; nhưng hiện nay chưa có quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng cho nguồn này.
Theo đó, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo chưa phù hợp. Bởi sau khi hết cơ chế giá FIT, các doanh nghiệp đã xem xét vấn đề đầu tư cho các dự án điện mặt trời mái nhà nhưng gặp rất nhiều vướng mắc trong giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh |
“Kết luận của Thanh tra Chính phủ về điện mặt trời khi đưa lên phương tiện truyền thông đã tạo "sóng" với các nhà đầu tư, họ lo lắng về rủi ro pháp lý. Đặc biệt, trong kết luận có nhiều điểm "ngầm" hiểu việc các nhà đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho dự án năng lượng tái tạo. Trong khi, chúng ta vẫn hô hào phải làm sao thu hút vốn tư nhân, thị trường hóa, xã hội hóa, phá bỏ thế độc quyền của EVN, nhưng cơ chế chính sách không hỗ trợ các nhà đầu tư làm điều đó”, ông Sơn chỉ ra.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu điện, cần nhìn vào thực tế. Trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch, đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn, đừng nói đến điện gió, điện gió ngoài khơi vì nếu chờ kế hoạch hành động để triển khai quy hoạch điện 8 thì có thể 1 năm sau chưa chắc đã có.
"Cần có một chính sách nhà đầu tư, người tiêu dùng dự tính được. Chúng ta cần tạo cơ chế tốt nhất cho các chủ đầu tư. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi trao đổi với tôi đều cho rằng không nhìn thấy cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo nữa. Chừng nào việc đầu tư không được đảm bảo sinh lời, không có rủi ro pháp lý, chừng đó các nhà đầu tư mới bỏ tiền vào đầu tư” - TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.