CôngThương - Với nhiều cơ chế ưu đãi, dự thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 được đánh giá sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho hoạt động thương mại khu vực khó khăn.
Theo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương), được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, những năm qua hoạt động thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo đã có sự khởi sắc.
Trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo có khoảng 3.200 chợ, trung tâm thương mại, 44.000 doanh nghiệp và 95.000 cơ sở sản xuất kinh doanh. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của khu vực này đạt 661.000 tỷ đồng…
Kết quả trên đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, hải đảo; tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại khu vực này. Tuy nhiên, kết quả hoạt động thương mại khu vực miền núi, hải đảo vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có và cơ hội phát triển. Ngoài ra, hoạt động thương mại của khu vực miền núi, hải đảo hiện đang gặp không ít rào cản.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu các ban, ngành.
Đầu tiên có thể kể đến sự chồng chéo, phân tán và không có tính hệ thống trong các văn bản quy phạm, cơ chế quản lý giữa các Bộ, ngành khác nhau; chưa thu hút được các thương nhân có năng lực tham gia; sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhỏ lẻ; thiếu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân; chưa tạo được mối liên kết thị trường… Quan trọng hơn, thương mại miền núi còn thiếu cơ chế hỗ trợ đặc thù.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, kể từ sau các Nghị định số 20/1998/NĐ-CP và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực vẫn chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, thực sự đủ mạnh để thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo. Một số chính sách, giải pháp có liên quan trong thời gian qua chỉ đóng góp phần nào chứ chưa đủ để tạo sự liên kết giữa thị trường miền núi, hải đảo với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương đang tích cực xây dựng dự thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020. Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực miền núi, hải đảo với các vùng miền khác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, hải đảo. Dự thảo chương trình cũng đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi mới, hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể cho hoạt động thương mại khu vực miền núi, hải đảo. Chương trình sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa đặc trưng, sản vật của miền núi, hải đảo; hỗ trợ thúc đẩy phân phối tiêu thụ hàng hóa được sản xuất tại miền núi, hải đảo trên thị trường trong nước; đưa một số mặt hàng đặc thù của khu vực xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế; mở rộng phân phối hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, hải đảo…
Đặc biệt, với dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2015-2020 khoảng 1.200 tỷ đồng, chương trình sẽ có nhiều các dự án cụ thể hỗ trợ trực tiếp và thiết thực cho thương mại miền núi, hải đảo phát triển như: Đưa hàng hóa tại miền núi, hải đảo tham gia vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối và thúc đẩy thương mại miền núi phát triển…
Được biết, chương trình dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 9/2014.