Giải phóng than tồn kho: Chủ động tìm khách hàng
Công Thương- Sản xuất ổn định, trong khi các hộ tiêu thụ than trong nước mua chậm, than xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của kinh tế thế giới…, là nguyên nhân chính dẫn tới lượng than tồn kho của Vinacomin lên tới hơn 8,9 triệu tấn như hiện nay. Trong đó, than thành phẩm 5,4 triệu tấn (than cám TCVN 4,2 tấn, than TCCS 1,2 tấn), nguyên khai và bán thành phẩm 2,9 triệu tấn.
Đại diện Công ty Than Núi Béo lo lắng: Sản lượng khai thác khá lớn (4,4 triệu tấn/năm), nhưng 6 tháng đầu năm, công ty mới tiêu thụ đạt 43%. Nếu cứ với tốc độ như hiện nay, khả năng tiêu thụ hết số lượng than khai thác trong năm là rất khó, mặc dù giá thành than Núi Béo hiện rẻ so với một số đơn vị khác.
Cùng chung khó khăn tồn kho, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Công ty Kho vận Cẩm Phả - chia sẻ: Mặc dù rất cố gắng, nhưng 6 tháng đầu năm, Cẩm Phả mới thực hiện được 45% kế hoạch. Lượng than tồn trữ hiện khoảng 1,3 triệu tấn và khả năng sẽ còn gia tăng.
Thực tế, lượng than tồn kho cao không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các công ty mà còn phát sinh những chi phí do tồn đọng vốn, bảo quản, lưu kho, bãi. “Rất nhiều công ty chưa đầu tư được kho chuẩn nên lượng than bị hao hụt hay chất lượng than giảm do tồn kho lâu là khá phổ biến” - ông Tứ khẳng định.
Trước gánh nặng tồn kho có thể kéo doanh thu năm 2012 giảm so với kế hoạch, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của tập đoàn, Tổng giám đốc Vinacomin - Lê Minh Chuẩn yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm bắt tình hình sản xuất và nhu cầu để có phương án tiêu thụ phù hợp với thị trường. Điều hành phương tiện nhận than hợp lý, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng. Ông Chuẩn nhấn mạnh: “Cơ chế bán than đã có, các đơn vị phải cùng nhau giải quyết thay vì cứ phó mặc cho tập đoàn. Các đồng chí có nhiệm vụ khai thác thị trường trong, ngoài nước cần cố gắng nhiều hơn nữa. Lúc khó khăn này, chúng ta phải chủ động đến với khách hàng. Bởi bán được than giờ đây có thể xem như yếu tố sống- còn của tập đoàn”.
Trước ý kiến, để cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, tập đoàn nên mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như có thể thành lập đội “tiêu thụ nhanh” để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ; Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn cho rằng: Đơn vị nào khai thác được thị trường thì tập đoàn sẵn sàng ủng hộ. Tập đoàn chỉ đưa ra cơ chế quản lý.
Ông Chuẩn yêu cầu: Các đơn vị phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin giám sát quá trình vận chuyển, tiêu thụ than (thiết bị giám sát hành trình, cân đo, camera giám sát vận chuyển ở các đầu đường chính và bến cảng…).
Bên cạnh việc chủ động điều chỉnh sản lượng để giảm sức ép tồn kho, ông Phạm Văn Mật - Phó tổng giám đốc tập đoàn, Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh - cho biết: Ưu tiên số 1 hiện nay của tập đoàn là duy trì đời sống, công việc cho đội ngũ thợ lò- những công nhân lao động trực tiếp, đang từng ngày đối mặt với vất vả, hiểm nguy để khai thác “vàng đen” cho đất nước.
Các công ty có mức than tồn kho cao so với kế hoạch là: Than Đông Bắc, Hòn Gai, Vàng Danh, Kho vận Hòn Gai, kho vận Đá Bạc. |
Hoàng Mai