Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Vẫn chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”
Theo Công văn 1885/UBND - CT, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết thực hiện ngay việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông… Đồng thời rà soát các tụ điểm họp chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để lập kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thực hiện giải tỏa từ nay đến cuối năm.
Công văn này dù mới được ban hành nhưng nhiều tiểu thương ở một chợ cóc khu vực Mai Dịch cho biết, đã nắm được rất rõ nội dung, mục đích của vấn đề. “Dù thanh tra giao thông đã xử phạt song cũng không “bịt” hết được các chợ cóc, vì đuổi chỗ này người ta lại nhảy sang chỗ khác buôn bán. Mà phần lớn những người buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm đều ở nông thôn ra Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Nếu không giải quyết nhu cầu của dân thì rất khó dẹp loại chợ này”- một tiểu thương bày tỏ.
Hà Nội đã không ít lần ra chỉ thị kiên quyết dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng thực tế chỉ được một thời gian ngắn, chợ cóc vẫn “mọc” lại. Lý do cơ bản khiến chợ cóc vẫn tồn tại là do quá thiếu chợ dân sinh. Sau khi giải tỏa chợ cóc, các quận, huyện không đủ địa điểm, diện tích để bố trí các hộ đang kinh doanh tại các tụ điểm di chuyển vào, nhất là trong khu vực nội thành.
TP. Hà Nội hiện có 426 chợ, trong đó có 160 chợ tại khu vực thành thị, chiếm 37,6%; 226 chợ tại khu vực nông thôn, chiếm 62,4%. Trong đó, số các chợ lán, chợ cóc, chợ tạm chiếm số lượng lớn. Đây là nơi nhiều người ở nông thôn ra Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. |
Điều đáng nói, dù Hà Nội đã xây dựng một số chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại trị giá vài trăm tỷ đồng, điển hình như Trung tâm thương mại Chợ Mơ, Trung tâm thương mại chợ Hàng Da, Trung tâm thương mại Cửa Nam…, nhưng do bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt nên hoạt động kinh doanh tại các công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại nói trên hầu như không hiệu quả, chưa bảo đảm việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, dù Thanh tra giao thông đã xử phạt những hộ buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm song cũng không thể triệt để được, đuổi chỗ này người ta lại chạy sang chỗ khác buôn bán. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, một số địa bàn nên “thu xếp cho dân chợ tạm để phục vụ nhu cầu dân sinh, đẩy các chợ đầu mối ra xa hơn và sớm có mô hình quản lý và chính sách đi kèm”.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, có lẽ Hà Nội nên thay biện pháp “cấm” thành “quản”, bố trí một số khu đất trống chưa sử dụng làm chợ tạm, có ban quản lý giữ trật tự vệ sinh môi trường, hoặc lập tổ tự quản từ chính các hộ kinh doanh. Cần áp dụng mức phí hợp lý, vừa phải với những hộ kinh doanh trong khu vực chợ này, bởi nếu thu phí cao quá thì sẽ không giữ họ ở lại lâu, rồi họ lại ra vỉa hè, như thế bài toán dẹp chợ cóc vẫn mãi là “bắt cóc bỏ đĩa”.