Giảm hiệu ứng nhà kính bằng cao su tự nhiên
- Hội thảo quốc tế được đồng tổ chức bởi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (JST) cùng nhiều công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cao su.
Dự án này được bắt đầu từ tháng 4/2011 và kéo dài trong 5 năm, với kinh phí gần 6 triệu USD. Dự án được tiến hành thực hiện bởi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka, với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam (RRIV).
Trong đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao nhằm giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như: xử lý môi trường sau sản xuất, giảm hiệu ứng nhà kính bằng cao su tự nhiên, phát triển công nghệ mới, sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây cao su...
Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka, ông Koichi Niihara - cho biết, dự án này sẽ góp phần hạn chế hiện tượng ấm lên của trái đất qua việc phối hợp nghiên cứu trên cao su tự nhiên giữa các viện của Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là giữa trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực phát triển cao su tự nhiên đã tham gia vào nhiều thảo luận khoa học khác nhau về các lĩnh vực như: hợp chất cao phân tử, biến tính cao phân tử và hợp chất mới, vật liệu kéo sợi và màng, công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật môi trường.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Giang - khẳng định, đây là một hoạt động quan trọng cho các bên tham gia dự án cũng như những nhà nghiên cứu hiện đang làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật cao su.
Hội thảo đã tạo sự tương tác trao đổi các ý tưởng khoa học đột phá và thành quả nghiên cứu trong các kỹ thuật liên quan đến cao su, các nhà công nghiệp và nhà các nhà nghiên cứu. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa trong ngành công nghiệp chế biến cao su tự nhiên và các hoạt động khoa học của dự án, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Phạm Tiệp