Giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc
Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm khoảng 6%/năm).
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo” của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức cao nhất cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo; trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% như: Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái…
Trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 49,98% hộ nghèo và 12,26% hộ cận nghèo; trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a có 46,56% hộ nghèo và 14,09% hộ cận nghèo.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, mặc dù được ưu tiên đầu tư so với các địa phương khác, công tác giảm nghèo tại Tây Bắc vẫn còn nhiều thách thức to lớn như: kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các tỉnh, huyện không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; công tác lãnh đạo triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tại một số địa phương trong Vùng còn bị động, thiếu tính sáng tạo và chưa thực sự quyết liệt. Do đó, cần có nhiều biện pháp để giảm nghèo bền vững cho vùng được coi là "lõi nghèo" của cả nước.
Khẳng định Tây Bắc là cái nôi của dân tộc, của cách mạng, giảm nghèo bền vững cho vùng Tây Bắc là vấn đề hết sức cấp thiết, cần nhiều ý kiến để chủ trương được thể hiện một cách đúng đắn nhất để triển khai thực hiện thành công, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình cho rằng, để phát triển Tây Bắc thì còn rất nhiều vấn đề: Thứ nhất là xóa đói giảm nghèo; Thứ hai là kết nối hạ tầng giao thông; Thứ ba, phải phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường kết hợp với phát triển du lịch, phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh kinh tế hợp tác; Thứ tư, giải quyết vấn đề tôn giáo và dân tộc; Thứ năm, giải quyết vấn đề quốc phòng an ninh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình: Trong giảm nghèo bền vững cho Tây Bắc thì vai trò của hệ thống chính trị, của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Phải có những ưu đãi về lãi suất để hỗ trợ bà con làm ăn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề tài chính để đầu tư hiệu quả cho công tác giảm nghèo bền vững cho Tây Bắc. |