Chăm sóc sức khỏe trẻ em (Ảnh minh họa) |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Những năm gần đây, thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, chỉ riêng trong năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề làm 264 người chết và mất tích, 431 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Dưới góc nhìn của Liên hợp quốc, ông Youssouf Abdel-Jelil - Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, cần phải tăng cường đầu tư để thiên tai không trở thành thảm họa đối với cuộc sống của trẻ em.
Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, những năm tháng đầu đời cơ thể và não bộ của trẻ em phát triển rất nhanh, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng, tiêu chảy, bỏ lỡ những cơ hội được vui chơi, học tập và phát triển. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán có thể gây tác hại về thể chất cho trẻ, đe dọa sự phát triển của cơ thể và trí tuệ còn non nớt của trẻ. Những tác hại mà trẻ em phải gánh chịu do ảnh hưởng từ thiên tai, biến đổi khí hậu trong thời kỳ đầu đời khó có thể phục hồi.
Với vai trò được Liên hợp quốc phân công là cơ quan chủ trì công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong hệ thống các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, từ năm 2016, UNICEF và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp cho hơn nửa triệu trẻ em và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại 10 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với nguồn tài trợ trị giá 2,5 triệu USD của Nhật Bản và 1,5 triệu USD của Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung ương của Liên hợp quốc. Mục tiêu của chương trình này là nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm; đưa ra phương hướng hợp tác trong tương lai về giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm ở Việt Nam.
Theo đại diện của UNICEF, giảm thiểu ảnh hưởng của rủi ro thiên tai đối với trẻ em cần chú trọng xem xét sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm tổn thương đến trẻ, cần kết nối hỗ trợ khẩn cấp phát triển bền vững thông qua tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em, của gia đình và cộng đồng trước những đợt thiên tai (sự sẵn sàng, biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...). Cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Luật Phòng chống thiên tai, Khung hành động GNRRTT Sendai và các Mục tiêu phát triển bền vững. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và UNICEF trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm./.