CôngThương - Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang tới hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 3,4 tỷ USD. Hiện, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam là Mỹ, chiếm khoảng 40%, thị trường châu Âu khoảng 27%, Nhật Bản khoảng 7-8%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ và châu Âu, hai thị trường gỗ lớn nhất thế giới đã lần lượt đưa ra và áp dụng những bộ luật quốc tế riêng. Lấy lý do tăng cường công cụ pháp lý quản lý rừng và giải quyết triệt để vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trong thương mại, hai thị trường này đã đề ra đạo luật Lacey và kế hoạch hành động về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (Flegt).
Tinh thần chung của những đạo luật này đòi hỏi doanh nghiệp phải có chuỗi hành trình truy xét nguồn gốc nguyên liệu gỗ từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu. Hiện, Mỹ đã áp dụng đạo luật Lacey, còn châu Âu cũng sẽ áp dụng Flegt vào tháng 3/2013.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam tuy được xuất khẩu nhiều, song theo Cục Chế biến thương mại nông- lâm- thủy sản và nghề muối, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu, thị trường trong nước chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, chiếm khoảng 1 tỷ USD/năm.
Ông Đàm Ngọc Năm, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông- lâm- thủy sản và nghề muối- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho biết, hiện nước ta có 13 triệu ha rừng, trữ lượng gỗ rừng trồng cả nước đạt khoảng 60 triệu m3, cho khai thác 4 triệu m3/năm. Rừng trồng của Việt Nam cho chất lượng gỗ thấp, nên lượng gỗ có thể sử dụng chế biến hàng xuất khẩu chỉ khoảng 15-20%, khoảng 4 triệu m3. Số còn lại, chủ yếu dùng để sản xuất giấy và bột giấy.
Theo Hiệp hội gỗ Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ hàng năm vẫn phải nhập nguyên liệu từ khoảng 600 nguồn khác nhau của 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, có cả các quốc gia được đánh giá rủi ro cao về vi phạm những điều khoản của Lacey hiện tại và Flegt sau này. Việc kiểm soát nguồn gốc từ 600 đầu mối này thực sự là bài toán khó.
Liên minh lâm sản hợp pháp là dự án quốc tế, gồm nhiều bên tham gia với mục đích giảm bớt nhu cầu về gỗ khai thác bất hợp pháp, tăng chuỗi cung ứng hợp pháp trong các chuỗi cung ứng lâm sản, đồng thời, giúp quản trị và bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả tại quốc gia có nhiều rừng.
Đây cũng là một trong những yêu cầu có trong đạo luật Lacey và Flegt. Việc Việt Nam gia nhập Liên minh lâm sản hợp pháp thuộc Viện Tài nguyên thế giới (WRI) là cần thiết, giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ tiếp cận thông tin nhanh hơn từ những quy định của đạo luật Lacey và kế hoạch Flegt cũng như nâng cao tính bền vững cho tài nguyên rừng.