(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)
Hoạt động buôn lậu thường diễn ra mạnh vào thời điểm mùa nước nổi, lễ và nhất là những tháng cuối năm, cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu hàng hóa tăng cao.
Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là vàng, tiền, hàng điện tử, gỗ, rượu, phân bón, hàng gia dụng, quần áo đã qua sử dụng... đặc biệt là hai mặt hàng thuốc lá điếu ngoại có số lượng nhập lậu qua biên giới tăng 55% và đường cát Thái Lan tăng gấp 3,6 lần so cùng kỳ.
Ông Phan Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho biết phương thức hoạt động của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi thường vào thời điểm nửa đêm hay gần sáng, bằng cách chia nhỏ lẻ hàng hóa, cất giấu, hoặc xen với hàng hóa khác, thuê mướn nhiều người vận chuyển vào nội địa tiêu thụ và thay đổi địa bàn hoạt động liên tục nhằm tránh lực lượng làm nhiệm vụ.
Nghiêm trọng hơn, đã từng xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Mới đây đã có 3 đối tượng buôn lậu giành giật hàng hóa, dùng gậy, đá uy hiếp lực lượng chống buôn lậu và còn đốt nhà phi tang hàng hóa tại huyện Tịnh Biên.
Tinh vi hơn, các đối tượng đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty, nhà máy sản xuất trong nước hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của nhà nước để hợp thức hóa hàng nhập lậu và từ hóa đơn này còn quay vòng vận chuyển hàng nhập lậu nhiều lần...
Khó khăn, phức tạp trong phòng chống buôn lậu hiện nay của tỉnh An Giang còn do tại gò Tà Mâu, huyện Borey Chosa (tỉnh Tà Keo - Campuchia), giáp tuyến biên giới phường Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc-An Giang) hiện có 17 cửa hàng kinh doanh và kho chứa với đầy đủ các mặt hàng, được các đối tượng buôn lậu sử dụng đủ các loại phương tiện đường thủy, đường bộ đưa hàng qua biên giới và vận chuyển sâu vào nội địa tỉnh An Giang.
Tại gò Tà Lập, xã Thăng Đum (Tà Keo - Campuchia) cách huyện Tịnh Biên (An Giang) 5km, các đầu nậu không trực tiếp thực hiện mà thuê người vận chuyển từng đoàn bằng đường bộ lẫn đường thủy.
Tại khu vực biên giới thị trấn Long Bình (huyện An Phú), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) giáp tỉnh Kandal (Campuchia) là điểm nóng nhập lậu đường cát Thái Lan bằng đường thủy.
Các đối tượng dùng ghe máy có tải trọng từ 20 tấn đến 80 tấn làm kho chứa đường cát trên sông và thay đổi bao bì trên đất Campuchia, sau đó chờ đợi thời điểm thích hợp vận chuyển đến các kho hàng trên ở An Giang, từ đó các đối tượng đưa sâu vào nội địa tỉnh và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ông Phan Lợi nhấn mạnh, năm 2015 dự báo tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, bởi chính sách mở cửa, hội nhập và phát triển khu vực, hàng hóa trong nước không cạnh tranh được hàng hóa ngoại nhập hiện có nhu cầu cao.
Hiện nay các kho hàng cặp các tuyến biên giới còn phổ biến, người dân dễ bị lợi dụng tiếp tay với buôn lậu để vận chuyển hàng hóa qua biên giới và vào sâu nội địa tỉnh An Giang.
Do đó, ngày 30/12 Ban chỉ đạo 389 các huyện thị xã biên giới và các lực lượng liên ngành, gồm quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng đã ra quân đợt cao điểm kéo dài đến 22/2/2015 để xiết chặt công tác kiểm tra nội địa và phòng chống buôn lậu trên tuyến biên giới, đặc biệt chú trọng mặt hàng thuốc lá, đường cát, rượu.
Đồng thời, có báo cáo thường xuyên để Ban chỉ đạo 389 tỉnh xử lý kịp thời các vướng mắc và khen thưởng động viên đột xuất các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống buôn lậu.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 An Giang cho rằng, An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng vừa có miền núi và biên giới dài gần 100km giáp với hai tỉnh Kandal và Tà Keo (Campuchia), nội địa An Giang có 18 xã biên giới tập trung tại 5 huyện thị, thành phố Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên nên tình trạng buôn lậu luôn là điểm nóng trên truyến biên giới.
Do đó, công tác phòng chống còn rất khó khăn và còn do một số văn bản pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chồng chéo.
Bà Tuyết cũng kiến nghị cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và Bộ Công an về việc hướng dẫn hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cần xem xét về hành vi mua bán, vận chuyển lậu thuốc lá điếu ngoại nhập từ 500 gói trở lên phải xử lý hình sự, có như vậy mới đủ sức răn đe so với quy định hiện nay từ 1.500 gói trở lên...../.