Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo do Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp và Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT phối hợp với Liên minh Đất rừng gồm Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và môi trường bền vững; Trung tâm Nghiên cứu phát triển và kiến thức bản địa; Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên đồng tổ chức.
Thực hiện Nghị quyết số 30/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được thực hiện triển khai tại nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó, nhiều diện tích đất rừng có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh đã được rà soát và lập phương án chuyển trả về cho địa phương quản lý và tái phân bổ cho các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn và thiếu đất sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Phong - Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, việc giao đất giao rừng cho chính quyền địa phương còn chậm. Sau khi chuyển đổi, tổng diện tích của công ty nông lâm nghiệp giảm 1.868,7 nghìn ha nhưng chỉ có 415 nghìn ha được chuyển giao cho chính quyền địa phương, và chủ yếu là trên giấy tờ. Công ty nông lâm nghiệp và chính quyền địa phương chủ yếu áp dụng các tiêu chí đánh giá lên đất hoang hóa, đất của lâm trường giải thể hoặc các khu đất mà các công ty nông lâm nghiệp không đủ nguồn lực để bảo vệ. Các tiêu chí khác như đất phân tán và có diện tích nhỏ, gần khu dân cư, đất sử dụng không hiệu quả… lại ít được chú ý đến.
Kết quả là phần lớn đất chuyển giao từ Công ty nông lâm nghiệp cho địa phương chưa được giao lại cho các hộ gia đình và cộng đồng. Ở một số vùng, đất rừng được các công ty nông lâm nghiệp bàn giao cho chính quyền địa phương không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương hoặc khó tiếp cận…
Ông Nguyễn Anh Phong cho biết, quá trình rà soát và chuyển giao đất rừng không có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền và cộng đồng địa phương; cộng với các bên liên quan lại không nắm rõ các chính sách dẫn đến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong thực hiện rà soát, phân định ranh giới đất và giao đất lâm nghiệp cho người dân địa phương. Bởi thế, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp, đặc biệt đất của lâm trường.
“Vận động áp dụng khung giám sát và đánh giá theo đề án của chính phủ liên quan tới nội dung về tái phân bổ đất lâm trường có vai trò quan trọng, góp phần giúp Quốc hội và các cơ quan chính phủ quản lý đất lâm nghiệp hiệu quả và chủ động hơn, giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng, từ đó cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và quản lý bền vững đất rừng”, ông Nguyễn Anh Phong nói.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xung quanh Dự thảo Đề cương giám sát thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Theo đó, đa số các đại biểu đều đồng tình rằng cần chấm dứt việc giám sát chỉ dừng lại trên việc đọc và nghe báo cáo tại Hội nghị, thay vào đó là phải tăng cường giám sát trực tiếp tại hiện trường cũng như tiếp cận số liệu gốc để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Bên cạnh đó, cần làm rõ và giải quyết dứt điểm một số nội dung như: Quỹ đất thu hồi từ các nông lâm trường chuyển giao về cho các địa phương gồm những loại đất gì, địa phương đã sử dụng ra sao, bao nhiêu người dân miền núi dân tộc thiểu số thiếu đất đã được giao từ quỹ đất này. Quá trình bóc tách đất đai giao về cho địa phương cần phải có sự tham gia của địa phương và người dân nhằm hạn chế quá trình chuyển giao các diện tích đất rừng không phù hợp, ở xa khu dân cư, dốc, trữ lượng rừng lớn, khó quản lý và bảo vệ…