Mới đây, qua kiểm tra, Xí nghiệp Bắc Hà – Chi nhánh Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Đông Anh, Hà Nội) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm hàng giả với số tiền phạt 105 triệu đồng và buộc phải nộp lại lợi nhuận có được do thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra Xí nghiệp Bắc Hà đối với mặt hàng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu và đã phát hiện xí nghiệp này mua 12,6 tấn thịt trâu của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Bút (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) sau đó “phù phép” 117,5kg thịt trâu thành thịt bò.
Doanh nghiệp này còn tự ý in nhãn phụ tiếng Việt biến thịt trâu thành thịt bò rồi dán vào sản phẩm.
Người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác khi tiêu dùng các sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu. |
Theo Ban chỉ đạo phòng chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), thì đây chỉ là 1 trong nhiều doanh nghiệp có hành vi làm hàng giả, lừa đảo người tiêu dùng và né tránh cơ quan chức năng.
Trong năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt không ít trường hợp nhập khẩu sản phẩm thịt bò, thịt trâu quá hạn sử dụng về thị trường Việt Nam để kiếm lợi nhuận cao.
Cụ thể, tháng 4/2014, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã xử phạt Công ty Cổ phần Nhất Nguyên Phương 50 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, đồng thời buộc công ty phải đóng 70 triệu đồng để tiêu hủy toàn bộ hơn 12 tấn thịt, sườn bò nhập từ Canada, Australia quá hạn sử dụng gần 2 năm.
Qua xác minh tờ khai hải quan, toàn bộ lô hàng trên được nhập khẩu vào TP.Hồ Chí Minh nhiều đợt trong năm 2011 và có hạn sử dụng từ tháng 1 đến tháng 12/2012.
Giá trị lô hàng vào thời điểm này khoảng trên 600 triệu đồng. Đối chiếu hạn sử dụng ghi trên bao bì, lô hàng đã quá hạn sử dụng từ 1 năm đến gần 2 năm.
Điều đáng lo ngại là số lượng thịt trâu nhập khẩu về Việt Nam, bị cấc doanh nghiệp làm ăn bất chính tìm cách biến thành thịt bò đã được tuồn vào trong nhiều Nhà hàng, Bếp ăn tập thể tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe của người sử dụng.
Cuối năm 2014, Đội quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA81 - Công an TP.Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra kho đông lạnh tại Khu công nghiệp Quang Minh của Công ty An Việt đã phát hiện hơn 40 tấn thịt trâu của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương, địa chỉ tại số 31 ngách 61/255 Lĩnh Nam, Hoàng Mai.
Điều đáng nói là Công ty Tân Đại Dương đã bán hàng cho những đại lý cấp 1 gồm cả doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có: Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Việt, Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Minh Đức, Công ty cổ phần thực phẩm Thảo Nguyên Xanh, Công ty TNHH TM & DV Tâm Trí Sáng, Công ty CP rau an toàn Hà Nội, Lê Thị Thanh Hải (Mê Linh, Hà Nội), Ngô Diệu Anh (29 Thống Nhất, Tân Thịnh, TP. Hồ Chí Minh).
Do thịt trâu có hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản lạnh phải dưới -180 độ C, trong khi hầu hết doanh nghiệp mua hàng đều không có kho lạnh đủ điều kiện bảo quản. Vì lẽ đó, người tiêu dùng trong nước lựa chọn thịt trâu nhập khẩu đều phải tiêu dùng sản phẩm không đủ an toàn về vệ sinh thực phẩm.
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, năm 2014, ngoài bò sống nhập khẩu về giết mổ tại Việt Nam với số lượng khoảng 180.000 con bò Úc, tăng hơn 2,5 lần tổng lượng nhập khẩu của năm 2013 là 70.000 con, còn một lượng thịt trâu bò đông lạnh lớn cũng được chuyển về Việt Nam.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.000 tấn thịt trâu bò đông lạnh, và trên 3.200 tấn thịt heo, gần 90.000 tấn thịt gia cầm, dê cừu... đông lạnh được nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề cũng được xem là thời cơ vàng trong làm ăn, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, do nhập khẩu các loại thịt quá hạn sử dụng, “phù phép” bằng các loại phụ gia, đưa ra lưu thông trên thị trường đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh trái pháp luật thu nguồn lợi nhuận lớn.
Số liệu từ cơ quan chức năng cho biết, thịt trâu nhập khẩu với giá 40.000đ/kg (1.900 USD/tấn) nhưng được bán cho các bếp ăn tập thể với giá khoảng từ 120.000 – 150.000 đ/kg. Như vậy, với 40 tấn thịt trâu của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương nếu được lưu thông trót lọt, thì doanh nghiệp bỏ túi khoản lợi nhuận lớn cỡ nào.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác khi tiêu dùng các sản phẩm thịt nhập khẩu, nhất là khi đi ăn tại các Nhà hàng.
Để cẩn thận, có thể yêu cầu được kiểm tra nguyên liệu thịt ngay tại nơi chế biến của nhà hàng. Tránh mua thịt nhập khẩu tại các cửa hàng nhỏ lẻ, hay mua thịt rao bán qua mạng. Hiện, có nhiều website bán hàng qua mạng cung cấp các sản phẩm thịt nhập khẩu, nhưng không ai dám chắc về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng thịt. Tra Google, chỉ trong vòng 0,24 giây đã cho ra 291.000 kết quả các website cung cấp thịt nhập khẩu.
Hạn chế mua thịt nhập khẩu đông lạnh, bởi bằng mắt thường rất khó xác định được thịt còn hạn hay đã quá hạn sử dụng.
Người tiêu dùng nên mua thịt bò, trâu tươi được bán tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ lớn như BigC, Fivimart, Co.op mart... Đối với thịt trâu, bò mua tại chợ dân sinh, nên chọn thịt có màu hồng tươi..