Theo khảo sát nhiều đại lý trên khu vực phố Lương Văn Can (Q. Hoàn Kiếm) vốn là “thủ phủ” bán các loại khăn mặt, giấy vệ sinh, khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung Ương và một số chợ khác như chợ Đồng Xa, chợ Nghĩa Tân (Q. Cầu Giấy)… chúng tôi đều có thể tìm mua các bịch giấy An An “rởm”.
Giấy vệ sinh An An giả có màu sắc bao bì rất nhạt,
khi nhìn từ phía ngoài bao bì sẽ không nhìn thấy rõ
hoa văn dập nổi trên mặt giấy (Ảnh: Hà Bắc).
Bên cạnh các đại lý bán hàng thật, một số đại lý bán mặt hàng giấy An An giả nhưng giá vẫn tương đương loại giấy thật với giá khoảng 27 đến 28 nghìn đồng/bịch. Trong khi đó chất lượng giấY An An giả chỉ như các mặt hàng giấy gia công với mức giá khoảng 15 nghìn đồng/bịch 12 cuộn. Các đại lý ở khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Trung Ương thì lại bán tạp nham cả giấy An An thật và giấy giả, nếu không tinh người tiêu dùng rất khó có thể phát hiện được.
Người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn và không thể phát hiện bởi loại giấy vệ sinh An An “rởm” có bao bì rất giống giấy vệ sinh An An thật. Nếu quan sát kỹ có thể thấy loại giấy vệ sinh An An giả có màu sắc in trên bao bì nhạt chứ không tự nhiên như loại giấy thật, đường nét đóng gói bao bì nhìn ẩu, xộc xệch.
Các cuộn giấy vệ sinh An An “rởm” có các vòng cuộn rất lỏng lẻo, màu giấy giữa các cuộn trong cùng một bịch giấy có khi cũng đậm nhạt khác nhau. Đặc biệt các hoa văn in trên cuộn giấy được in dập rất lộn xộn, không rõ ràng khi sử dụng thì rất khó xé vì đường dập xé không đều nhau, giấy lại cứng, thô ráp chứ không mềm mại như loại giấy thật.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Mỹ Đình, Từ Liêm đã có lần mua phải loại giấy vệ sinh An An loại rởm cho biết: “Lần ấy mình về dùng thấy giấy thô và cứng lắm, và dùng nhanh hết nữa vì giấy rất dầy nên một cuộn được ít hơn. Thả vào nước thì giấy không tan như mọi lần nên cứ nghĩ là chất lượng của giấy An An giảm hơn trước”.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao trong một bịch giấy, các cuộn giấy lại có màu sắc khác nhau, cuộn thì màu trắng tinh, cuộn khác lại có màu đục thì một người bán hàng trên phố Lương Văn Can giải thích: “Chị đảm bảo với em đây là giấy An An thật, chẳng qua lô sản xuất khác nhau nên nó hơi khác so với những lô trước một chút, chứ chất lượng giấy vẫn thế cả.” Chị này cũng khăng khăng nhận giấy An An ở cửa hàng mình là giấy “xịn” và như để chứng minh chị này lấy từ trong nhà ra một bịch giấy đã dùng dở rồi nói: “Đây, nhà chị còn dùng loại này cơ mà, em không phải lo.”
Tại cửa hàng của chị Lan, tại chợ Đồng Xa cũng có mặt hàng giấy vệ sinh An An rởm được bày bán. Chị Lan cho biết, tất cả các mặt hàng giấy vệ sinh chị đều lấy của một đại lý lớn và họ nói là họ được ủy quyền trở thành đại lý cấp 1 của tất cả các mặt hàng giấy vệ sinh, giấy ăn. Tuy nhiên, khi hỏi đại lý này ở đâu thì chị bảo không rõ, thường chỉ gọi điện cho một người thanh niên vẫn thường giao hàng cho chị, rồi họ chở hàng đến tận nơi.
Theo như tìm hiểu thì hầu hết các đại lý, cửa hàng có bán các loại giấy An An “giả” đều lấy hàng từ một đầu mối lớn và giao tất cả các mặt hàng giấy vệ sinh, giấy ăn.
Theo Laodong