Giải quyết nhu cầu tài chính tức thời
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với đặc điểm về nhân khẩu học cũng như tỷ lệ thanh toán tiền mặt còn khá cao. Trong đó, gần 2/3 người trưởng thành ở Việt Nam không có tài khoản ngân hàng hoặc ít có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay chính thống, mức cao nhất ở Đông Nam Á. Họ thường phải tìm đến các dịch vụ tài chính có chi phí cao như các khoản vay ngân hàng số tiền lớn, kỳ hạn dài hoặc vay lãi theo ngày với lãi suất cao để giải quyết nhu cầu chi tiêu khẩn cấp.
Đặc biệt, lao động phổ thông là đối tượng dễ tổn thương nhất trước những bất ổn tài chính. Khi đối diện với các khoản chi đột xuất, họ không có nhiều giải pháp an toàn với chi phí phải chăng. Với mong muốn thay đổi tình trạng này, Anh Nguyễn Anh Quân – đồng sáng lập, CEO MIGO cho biết: Chúng tôi tạo điều kiện để người lao động nhận trước phần lương kiếm được trong tháng, giúp họ an tâm công tác và tập trung cho những công việc quan trọng.
Theo đó, ứng dụng GIMO dựa trên sự tích hợp với hệ thống tính lương của doanh nghiệp, giúp người lao động chủ động nhận trước phần lương kiếm được trong tháng. Người dùng GIMO có thể yêu cầu nhận lương và theo dõi thu nhập của mình thông qua ứng dụng di động được tích hợp vào hệ thống quản lý nhân sự và chi trả lương của công ty. Mọi giao dịch đều minh bạch và cập nhật theo thời gian thực.
Ngoài ra, khi sử dụng GIMO thì không chỉ người lao động, mà doanh nghiệp cũng có lợi khi sử dụng ứng dụng này. Bởi nếu doanh nghiệp đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động một cách toàn diện, thì tỷ lệ thôi việc và các chi phí liên quan như phí tuyển dụng, đào tạo sẽ giảm. Hạnh phúc của nhân viên chính là tiền đề cho sự thành công của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi áp dụng cách thức này, doanh nghiệp có thể gặp chút thách thức về công nghệ, thủ tục hành chính và dòng tiền... CEO MIGO và đội ngũ dự kiến xây dựng và vận hành một “siêu ứng dụng” với sự tham gia của nhiều bên như doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính, nhà bán lẻ, công ty bảo hiểm...; bổ sung nhiều tính năng tiện lợi cho người lao động như mua sắm trực tuyến, quản lý tài chính cá nhân…
Đến nay, GIMO đang cung cấp giải pháp chi và nhận lương linh hoạt cho 25.000 lao động trên khắp Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Mức tăng trưởng số lượng người dùng mỗi tháng lên tới 130%. Về lâu dài, công ty dự kiến sẽ phát triển một nền tảng tài chính số giúp người lao động quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, không chỉ nhận lương linh hoạt mà còn có thể chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Hướng tới ổn định tài chính
Ông Nguyễn Anh Quân - Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành GIMO |
Theo ông Nguyễn Anh Quân - Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành GIMO - chia sẻ: Là công ty tiên phong trong mảng EWA tại Việt Nam, GIMO hy vọng sẽ có thể lấp đầy khoảng trống trong thị trường bằng cách giải quyết nhu cầu tài chính khẩn cấp của hàng chục triệu người lao động; đồng thời nâng cao phúc lợi, giúp họ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Mô hình chủ động nhận lương linh hoạt được chào đón nhanh chóng khi tiếp cận với các thị trường mới. Bởi trên thực tế, các khoản chi phí có thể phát sinh bất cứ lúc nào, trong khi phần lớn người lao động chỉ được trả lương một lần/tháng.
Tháng 3/2021, GIMO hoàn tất gọi vốn đầu tư vòng hạt giống (seeding) từ ThinkZone Ventures, BK Fund và một số nhà đầu tư. GIMO cũng là 01 trong 4 startup Việt Nam nhận được gói tài trợ 200.000 USD từ SK Startup Fellowship 2021. Gọi vốn thành công 1,9 triệu USD tại vòng gọi vốn do quỹ Integra Partners của Singapore dẫn dắt.
Về phía nhà đầu tư, ông Chris Kaptein, Giám đốc Quỹ Integra Partners đánh giá cao tầm nhìn của GIMO về việc cung cấp cho lao động phổ thông mô hình chi và nhận lương linh hoạt, cũng như đa dạng hóa những giải pháp tài chính mà họ có thể sử dụng. Với khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính trách nhiệm, chi phí hợp lý này là một trong các trụ cột của tăng trưởng bền vững và rất kỳ vọng vào sự đồng hành cùng GIMO trong hoạt động này. Ngoài Integra Partners - quỹ đầu tư mạo hiểm từ Singapore, thương vụ 1,9 triệu USD trên còn có sự tham gia của các nhà đầu tư từ Resolution Ventures, Blauwpark Partners, và TNB Aura VN Scout.
Ông Nguyễn Anh Quân, Co-founder kiêm CEO của GIMO cho biết khoản đầu tư sẽ giúp công ty thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam và Đông Nam Á. Cụ thể, GIMO dự kiến sẽ phân bổ nhiều nguồn lực hơn để tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, tăng cường năng lực quản trị rủi ro và áp dụng những công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo vào việc nâng cao trải nghiệm người dùng.
Trong kế hoạch dài hạn, startup này dự kiến sẽ phát triển một nền tảng tài chính số giúp người lao động quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, không chỉ nhận lương linh hoạt mà còn có thể chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QÐ-TTg (Ðề án 844) nhằm phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với vai trò cầu nối, Vuasanca đã và đang tích cực hỗ trợ, kết nối, góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |