Giữ thực phẩm không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016
Tin hoạt động 30/12/2015 09:00
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ hai từ phải sang) khảo sát và làm việc với Công ty CP Nhất Nam tại số 2 phố Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm, Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 |
Điều tiết hàng hóa trong 3 tiếng
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong dịp Tết Bính Thân năm 2016 tăng khoảng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm, tăng khoảng 20% so với Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Chính vì vậy, việc chuẩn bị có đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết là yêu cầu mà thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tập trung dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm mặt hàng phục vụ Tết với tổng mức giá trị ước tính trên 12.780 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu – bia – nước giải khát, sữa dự trữ tổng lượng hàng hóa ước tính 6.748 tỷ đồng….
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hapro chia sẻ, để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016, Tổng công ty đã tăng cường nâng cao chất lượng địa điểm, chất lượng phục vụ nhân dân. Đối với các mặt hàng thiết yếu, công ty đã có kế hoạch dự trữ, khai thác các nguồn hàng đảm bảo số lượng, chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Công ty cũng đã sắp xếp các địa điểm bán hàng trong dịp Tết năm 2016, trong đó, có 1 điểm bán hàng theo mô hình chợ Tết tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đồng thời, tham gia các gian hàng chợ Tết theo chương trình của Sở Công Thương Hà Nội. Sau Tết, ngay từ ngày mồng 4/1 âm lịch, tất cả các điểm bán lẻ của công ty tiếp tục thực hiện bán hàng phục vụ nhân dân.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp bình ổn giá) tiếp tục tìm kiếm, khai thác hàng hóa từ các tỉnh thành có nguồn hàng hóa có thể bù đắp lượng hàng hóa thiết yếu còn thiếu, dễ biến động của Hà Nội như thịt lợn, thịt gà, rau củ, các loại thủy sản nước mặn…. và các loại mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như trái cây, hoa, cây cảnh…. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền về công tác phục vụ Tết, các chương trình, các điểm bán hàng Tết, chương trình bình ổn giá của thành phố để ngăn chặn tác động tâm lý và hành động đẩy giá lên cao. Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp thương mại, ban quản lý các chợ thực hiện báo cáo về tình hình giá cả hàng hóa vào thứ 4 hàng tuần bắt đầu từ ngày 11/01/2016 và báo cáo hàng ngày vào 14h00 bắt đầu từ ngày 25/1/2016 để tổng hợp theo dõi. Sở Công Thương sẽ tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để trong vòng 3 tiếng chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
Không để khan hàng, sốt giá
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những giải pháp bình ổn thị trường Tết Nguyên đán những năm qua và trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016; công tác dự báo về giá cả, dự báo về tình hình trước, trong và sau Tết của TP Hà Nội. Thứ trưởng đề nghị UBND TP, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để có những phương án xử lý kịp thời trước biến động của thị trường, hoặc đề xuất với các bộ ngành có liên quan để kịp thời có những phương án điều chỉnh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch cung ứng hàng Tết và các đề án, nhất là triển khai mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thứ trưởng chia sẻ: "Theo các doanh nghiệp thì đang có sự cạnh tranh rất mạnh mặt hàng bánh kẹo của nước ngoài với các mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước. Đây là điều đương nhiên vì hiện nay rất nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào, nếu chúng ta làm tốt công tác vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản phẩm hàng hóa có mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng đảm bảo, sẽ là giải pháp để doanh nghiệp có thể giữ được sức cạnh tranh của mình tại thị trường nội địa”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND TP. Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, diễn ra chiều ngày 29/12 |
Thứ trưởng đánh giá cao việc những năm gần đây nhiều địa phương không còn hiện tượng lo lắng về việc thiếu hàng, khan hàng. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý về việc phân phối và bình ổn hàng hóa thiết yếu tại vùng xâu vùng xa của Hà Nội hay tại các khu công nghiệp, tránh không để tình trạng giá đắt, chất lượng không đảm bảo xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Hà Nội quan tâm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu Tết Nguyên đán với hơn 1.650 điểm bán hàng, thực hiện các phiên hàng Việt, chợ Việt đưa hàng bình ổn giá về các huyện ngoại thành, các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, thành phố tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa> Tuy nhiên cũng đề nghị doanh nghiệp tích cực đồng hành cùng thành phố trong việc chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.