Giúp bà con hiểu để thay đổi
Cả xóm Nà Ðin, xã Lê Chung, huyện Hòa An có 32 hộ người dân tộc Tày, thì cả 32 hộ đều sử dụng tấm lợp fibro xi măng. Nhà nhiều thì hầu như tất cả các công trình đều lợp bằng fibro xi măng, nhà ít hơn thì có bếp, khu chăn nuôi được lợp bằng chất liệu này.
Một ngôi nhà sàn truyền thống được lợp bằng tấm lợp fibro xi măng |
Chị Lục Thị Liễu, trưởng xóm Nà Ðin cho hay, xóm Nà Ðin là xóm vùng 3 đặc biệt khó khăn, nhiều ngôi nhà trong xóm được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 134, 167. Trong đó, tấm lợp fibro xi măng cũng là một phần trong số các nguyên vật liệu được hỗ trợ. Khi đó, bà con rất hài lòng với những tấm lợp này vì nhận thấy sản phẩm này khá chắc chắn, diện tích mỗi tấm lợp khá lớn, chính vì vậy khi trời mưa gió, mái nhà lợp bằng tấm lợp ít bị lật, bị xô hơn nhà lợp ngói truyền thống của địa phương. Thậm chí, nhiều gia đình trước kia sử dụng ngói địa phương, sau được hỗ trợ tấm lợp fibro xi măng thì lập tức dỡ bỏ ngói, quay sang sử dụng tấm lợp fibro xi măng.
Với dân số trên 517.000 người, trong đó có tỷ lệ người DTTS chiếm tới 94%, nên số hộ được hỗ trợ xây dựng nhà theo Chương trình 134, 167 của Cao Bằng khá lớn, kéo theo, số lượng các ngôi nhà có sử dụng tấm lợp fibro xi măng ở địa phương này là không nhỏ. Hơn thế, ngoài những hộ gia đình được hỗ trợ tấm lợp fibro xi măng để xây nhà theo Chương trình 134, 167, những năm trước, rất nhiều hộ dân khác ở Cao Bằng cũng chủ động mua tấm lợp fibro xi măng về sử dụng. Ông Hoàng Văn Tài, đến từ huyện Trùng Khánh chia sẻ: Giá tấm lợp fibro xi măng rẻ hơn các loại vật liệu khác, bà con cũng có thể tự vận chuyển… nên đa phần hộ nghèo đều chọn mua để sử dụng lợp nhà, lợp bếp, lợp khu chăn nuôi. Sau này, một số hộ kinh tế phát triển, xây nhà mái bằng, thì các tấm lợp fibro xi măng lại được tận dụng để làm bờ rào vườn, rào quanh ao… Nhiều hộ khó khăn hơn còn xin về để tiếp tục lợp bếp, chuồng trâu, chuồng lợn…
Là một trong những hộ sử dụng tấm lợp fibro xi măng đã nhiều năm nay, nên chị Lục Thị Liễu rất ngạc nhiên khi được tiếp cận các thông tin về tác hại của tấm lợp fibro xi măng, thông qua buổi Hội thảo “Nâng cao nhận thức về tác hại của amiăng trắng và các bệnh liên quan đến amiăng” do Ủy ban Dân tộc và Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng tổ chức tại Cao Bằng. Cụ thể như, khi sợi amiăng (có chứa trong tấm lợp fibro xi măng), được hít vào qua đường hô hấp sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như: Ung thư biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh bụi phổi amiăng… Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 10 đến 40 năm.
“Mấy năm trở lại đây, bà con trong xóm mua tấm lợp fibro xi măng về sử dụng đã ít hơn. Nhiều hộ chuyển sang dùng tôn, đổ mái bằng. Vậy nhưng, những tấm lợp fibro xi măng cũ vẫn đang được bà con tận dụng. Thay mặt xóm đi nghe phổ biến, tôi mới biết những tấm lợp fibro xi măng dùng cả chục năm rồi nhưng khi bị vỡ, bụi của nó vẫn rất nguy hiểm. Tới đây, họp xóm, tôi sẽ phổ biến ngay để bà con biết được tác hại của tấm lợp fibro xi măng. Bỏ hết tấm lợp fibro xi măng đi thì khó, nhưng hạn chế dùng và tránh để vỡ các tấm lợp này là điều trước mắt bà con có thể làm được” – Trưởng xóm Lục Thị Liễu khẳng định.
Hy vọng, với sự tích cực vào cuộc của những người như trưởng xóm Lục Thị Liễu, nhận thức, ý thức của đồng bào ở Cao Bằng về tác hại của tấm lợp fibro xi măng sẽ tăng lên; từ đó tiến tới loại trừ loại nguyên vật liệu có hại này ra khỏi đời sống.