Các định chế tài chính thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2023 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023 của kinh tế Việt Nam |
Đây là nội dung hội thảo khoa học quốc gia: “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: “Ổn định và phát triển thị trường bất động sản” do Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 21/4/2023 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét.
Một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản. Do vai trò, vị trí của ngành bất động sản vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ thực trạng này, hội thảo đưa ra những góc nhìn khác nhau của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Đồng thời tập trung thảo luận để nhận diện các nút thắt và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, thị trường bất động sản là điểm nghẽn chính đối với phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Do đó, giải quyết tốt các vấn đề của thị trường bất động sản sẽ có tác động tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Các giải pháp cần hướng tới giải quyết các vấn đề trọng tâm của thị trường bất động sản hiện nay là sự lệch pha cung-cầu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; giá bất động sản còn cao, thiếu sự kiểm soát và điều tiết; nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo cho thấy thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường bất động sản còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và phát triển thiếu lành mạnh. Đặc biệt là quản lý tài chính và đầu tư phát triển bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan với tư duy bao cấp về hàng hóa bất động sản (hàng hóa quyền sử dụng đất) trên thị trường sơ cấp.
Việc điều hành quản lý và phát triển thị trường bất động sản cũng còn nhiều hạn chế bất cập, chưa phát huy được vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường, bảo đảm thị trường bất động sảnhoạt động một cách ổn định, lành mạnh. Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản chưa thống nhất và chồng chéo.
Một số chuyên gia cảnh báo rủi ro trên thị trường bất động sản có thể lan truyền đến rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ khi phần lớn nguồn vốn vào thị trường bất động sản là từ dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp phải nhiều rủi ro bất ổn.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản. Bởi thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Do đó, ổn định và phát triển thị trường bất động sản cần được xem là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023.
Trong khuôn khổ hội thảo đã công bố ấn phẩm của trường Đại học Kinh tế quốc dân “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022”. Về các khuyến nghị giải pháp, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Liên quan đến chính sách tài khóa, báo cáo nhìn nhận chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch, cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ. Có các giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.