Gỡ khó các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Chuyển biến tích cực
80/85 dự án đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến hết ngày 8/9, đã có 80/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 4.497,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng thêm 1 dự án (Nhà máy điện gió Lig Hướng Hóa 2) so với tuần trước.
Trong đó, có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án NLTT chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 7/9/2023 đạt hơn 531 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,57% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Bộ Công Thương đồng hành tháo gỡ khó khăn
Vào trung tuần tháng 3/2023, hàng chục doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời trên toàn quốc đã cùng gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ với mong muốn sớm có phương án giải quyết khó khăn, đặc biệt là cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khi hiệu lực của các Quyết định về cơ chế khuyến khích đã kết thúc.
Mặc dù đã nỗ lực chạy đua với thời gian để được hưởng cơ chế giá điện cố định (FIT) theo quy định tại Quyết định số 39/QD-TTg với điện gió và Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với điện mặt trời nhưng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, 85 dự án nêu trên bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với dự kiến ban đầu làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của chủ đầu tư. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ xem xét nhiều nội dung nhưng chủ yếu là muốn kéo dài thời gian áp dụng giá FIT; được mua điện 20 năm; đơn giản các thủ tục liên quan đến đấu nối, kỹ thuật...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản như Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện bảo đảm không vượt qua khung giá phát điện.
Sau khi có Quyết định số 21/QĐ-BCT, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN đã nhiều lần có công văn gửi và đôn đốc các nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu để có thông số tính toán, đàm phán giá điện. Đồng thời nhiều lần tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện và phương pháp tính toán giá điện. Sau các hội nghị, Bộ Công Thương cũng liên tiếp có văn bản nhằm gỡ khó cho các chủ đầu tư. Còn Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thuộc EVN, cả điều độ quốc gia và các điều độ miền đã bố trí cán bộ, công nhân viên làm việc 3 ca, 5 kíp, không quản ngày nghỉ để kịp thời hoàn thành thử nghiệm vận hành thương mại đối với các nhà máy đăng ký.
Về cơ chế giá điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp, người đứng đầu ngành Công Thương đã bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của chủ đầu tư nhưng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhiều lần nêu quan điểm cũng như giải trình tại Nghị trường Quốc hội rằng, Bộ đã căn cứ các cơ sở pháp lý hiện hành (Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ) và tình hình thực tiễn, có tham khảo, tư vấn của các cơ quan, tổ chức năng lượng uy tín quốc tế và lấy ý kiến của Bộ ngành...và khẳng định cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế-xã hội trong nước.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng thừa nhận rằng, do chạy đua tiến độ nên nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đã nguội vấn đề nóng
Từ chỗ hầu hết các nhà đầu tư phản đối cơ chế giá điện mới nhưng qua phân tích, lý giải và thấu hiểu tinh thần "hài hoà lợi ích", đến ngày 31/5 đã có 59/85 nhà máy với công suất 3.389MW chiếm 71,6% số dự án đã nộp hồ sơ đến EVN, trong đó 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục.
Và hơn 3 tháng sau, số lượng dự án nộp hồ sơ đã đạt 80/85, chiếm hơn 94%, chỉ còn 5 dự án (gần 6%) dự án chưa nộp hồ sơ.
Các dự án đã nộp hồ sơ và thực hiện đầy đủ các quy định đã vận hành thương mại, phát điện lên lưới, vừa góp phần tăng thêm năng lực cho hệ thống điện quốc gia, vừa giảm bớt khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương và sự thấu hiểu, đồng thuận các chủ đầu tư với tinh thần "đối thoại" và "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", đến nay một vấn đề rất nóng như các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã có chuyển biến tích cực.