Gỡ khó cho tín dụng tái canh cây cà phê
Người dân vay tái canh cà phê được tạo điều kiện thuận lợi |
Để triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014- 2020. Diện tích tái canh theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khoảng 120.000 ha. NHNN dành khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng tái cấp vốn để hỗ trợ cho vay đối với Agribank.
Đến ngày 31/12/2016, Agribank đã cam kết cho vay tái canh cà phê tại khu vực Tây Nguyên với số tiền đạt 1.086 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 738,2 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Diện tích tái canh 10.436 ha (tăng 1.928 ha so với cuối năm 2015); 5.716 khách hàng (12 tổ chức và 5.704 cá nhân) đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Đà Nẵng sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN. |
Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Đắk Lắk Trần Đình Chánh, chi nhánh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay tái canh cà phê. Nhất là với các hộ dân, việc giải ngân chỉ trong ngày. Dư nợ cho vay tái canh cà phê của chi nhánh đã đạt 54 tỷ đồng với 555 ha cà phê trên tổng cam kết giải ngân 800 ha.
Thực tế, không chỉ nguồn vốn tái canh cây cà phê được đến từ Agribank, vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo, thuộc đối tượng chính sách vay cũng được người dân khu vực Tây Nguyên tập trung cho cây công nghiệp chủ lực này. Đơn cử như hộ gia đình anh BKrông, dân tộc Ê Đê, buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau 3 năm vươn lên thoát nghèo từ 10 triệu đồng vay vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò, kinh tế gia đình đang hứa hẹn những nguồn thu bền vững từ việc vay 30 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo ươm trồng 500 gốc cà phê.
Theo đánh giá của NHNN, hiện vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình triển khai tín dụng cho tái canh cây cà phê. Do việc tái canh toàn bộ vườn cà phê sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại của người dân cũng như phải đầu tư thêm chi phí cho tái canh, nên nhiều hộ dân lựa chọn phương pháp chỉ chặt bỏ cây cà phê già cỗi để trồng lại. Vì thế, việc tái canh cà phê theo quy hoạch gặp khó khăn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo Agribank tiếp tục đẩy mạnh cho vay, NHNN sẽ xem xét chỉ đạo thêm một số tổ chức tín dụng tham gia cho vay tái canh trên địa bàn Tây Nguyên, kết hợp với đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cà phê và các cây công nghiệp khác trên địa bàn.
NHNN cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, cấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và Agribank để giải quyết bất cập như: Vấn đề xác nhận và quy hoạch của cấp xã, vấn đề giống cây và quy trình kỹ thuật phục vụ tái canh, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... và quyết tâm của hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình tái canh cây cà phê.