Chỉ trong năm 2017, Nghệ An đóng mới được trên 200 tàu công suất 400CV trở lên, nâng tổng số tàu xa bờ đạt trên 1.450 chiếc |
Theo bà con ngư dân, phong trào đóng mới tàu thuyền tại các huyện ven biển như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai sôi động nhất trong năm 2017, khi các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện đang có hiệu lực. Chỉ trong năm 2017, Nghệ An đóng mới được trên 200 tàu công suất 400CV trở lên, nâng tổng số tàu xa bờ đạt trên 1.450 chiếc. Tuy nhiên, từ năm 2018, việc đóng mới tàu có dấu hiệu chững lại, đến nay, toàn tỉnh chỉ đóng mới được 10 chiếc tàu. Nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ bị cắt giảm, bên cạnh đó hiệu quả đánh bắt ngày càng sụt giảm, giá cả vật tư tăng, lao động khan hiếm. Tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, nếu như năm 2017, xã đóng mới được 10 tàu xa bờ thì đến nay đã gần hết năm 2018 toàn xã chưa đóng mới được chiếc tàu nào.
Ông Nguyễn Đức Thắng, ngư dân xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để đóng được tàu mới cần nhiều vốn, trong khi đó ngân hàng cho vay có hạn. Bên cạnh đó, thiếu lao động đi biển, phải thuê từ các địa phương khác rất khó khăn. Ngư dân mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng tàu gỗ, chứ việc hỗ trợ tàu sắt ở địa phương không hiệu quả vì nguồn nước mặn khiến tàu sắt bị gỉ sét. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do gần đây hiệu quả khai thác của tàu xa bờ thấp, chi phí xăng dầu, ngư lưới cụ tăng, giá thủy hải sản bấp bênh nên từ đầu năm đến nay tàu thuyền của ngư dân nằm bờ đã 3 tháng. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bị cắt giảm nên ngư dân không có vốn để đầu tư đóng tàu mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu - ông Nguyễn Văn Ước - đề xuất: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ gỗ, với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (30%) là 50%; đồng thời hỗ trợ bảo hiểm tàu cá là 100%; hỗ trợ giá cả đầu vào để ngư dân đủ điều kiện mua nguyên vật liệu, nhiên liệu để khai thác hải sản. Song song với đó, Chính phủ cũng can thiệp giá đầu ra với các doanh nghiệp lớn để ngư dân không bị tư thương ép giá...
Tại huyện Diễn Châu, nhiều ngư dân đang bán bớt tàu thuyền do nhiều nguyên nhân. Theo ông Ngô Trí Đông - chủ tàu xa bờ ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu: Gia đình ông có 2 tàu đánh bắt công suất trên 800CV và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, từ lâu, tàu cá của gia đình ông phải chuyển về lạch Quèn để neo đậu chứ không đưa về cảng Lạch Vạn vì nước ở đây cạn. Việc chuyển cảng như vậy khiến chi phí mỗi chuyến tăng lên từ 20 - 25 triệu đồng. Vì vậy, buộc gia đình ông phải bán đi 2 tàu đánh bắt. Ông Đông cũng cho biết thêm, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những ngư dân khác không dám đóng tàu mới. Khó khăn trong đóng mới tàu thuyền đã rõ, tuy nhiên, để khắc phục những nguyên nhân trên không phải là một sớm một chiều nên hiện nay, huyện Diễn Châu đã chọn giải pháp tích cực đó là nâng cấp tàu cũ đảm bảo chất lượng để vươn khơi. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi phương pháp đánh bắt từ dã kéo, dã cào sang đánh bắt xa bờ để giá trị sản phẩm khai thác ngày càng tăng lên.
Sự chững lại của việc đóng mới tàu thuyền, nhất là tàu công suất lớn đã làm những chuyến đi biển trở nên khó khăn hơn |
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu đề xuất: Thời gian tới, huyện Quỳnh Lưu xác định, khai thác hải sản là nghề chủ lực đem lại giá trị sản xuất cao cho nhân dân. Vì vậy, huyện Quỳnh Lưu quan tâm động viên ngư dân tiếp tục bám biển khai thác, đồng thời có giải pháp tiếp theo để hỗ trợ nhân dân như: Chuyển đổi phương thức khai thác, hoán cải công suất tàu, thay đổi công suất tàu lớn để đánh bắt các vùng biển xa; tăng năng lực bảo quản để tăng giá trị sản phẩm khai thác. Về lâu dài có giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thủ tục trong việc đăng kiểm, đăng ký cũng như chế độ cho thuyền viên khi khai thác trên biển.
Sự chững lại của việc đóng mới tàu thuyền, nhất là tàu công suất lớn cho thấy hoạt động đi biển khó khăn, ngư trường, trữ lượng khai thác không nhiều thuận lợi, trong khi đó chính sách lại thiếu kịp thời và còn nhiều bất cập. Vì vậy, để kích cầu nghề đóng mới tàu thuyền, phát triển kinh tế biển, việc khảo sát nguồn lợi thủy sản để cấp chỉ tiêu đóng mới tàu phải được tiến hành kịp thời, chính xác. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ cần đồng bộ, phù hợp hơn với thực tiễn khai thác đánh bắt của ngư dân./