Báo cáo xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 của Bộ Công Thương nhận định, tái cơ cấu ngành giai đoạn 2011-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, sau gần 10 năm, ngành Công Thương đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 42% vào GDP (trong đó, công nghiệp chiếm 27,54%; thương mại trong nước chiếm 11,66% và xuất nhập khẩu chiếm 2,5%).
Dù vậy, báo cáo cũng đánh giá, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm. Cụ thể, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.
Tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển |
Bên cạnh đó, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn, như: Dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam bởi về dài hạn, các doanh nghiệp FDI sẽ rất dễ dàng rời sang quốc gia khác nếu các điều kiện cho sản xuất và tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.
Những mục tiêu lớn
Trên cơ sở những kết quả cũng như những hạn chế của 10 năm triển khai tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Nâng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP |
Đối với công nghiệp, đề án đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%; tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 20%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.
Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%.
Ngoài ra, ngành Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước thông qua việc hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; xử lý cơ bản dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương...