Gỡ nút thắt cho tái canh cà phê: Cần “khai thông” nguồn vốn
Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp, chắc chắn việc tái canh cà phê khó có thể triển khai được |
Nhu cầu tái canh lớn
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho biết, tổng diện tích cà phê cần thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000 - 160.000 ha, chiếm 25% tổng diện tích trên toàn quốc, trong đó có khoảng 120.000 ha cà phê cần tái canh gấp tại khu vực Tây Nguyên.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), để tái canh một ha cà phê, các nông hộ và doanh nghiệp cần từ 120-150 triệu đồng. Như vậy, để tái canh khoảng 120.000 ha cà phê già cỗi, cần ít nhất lên trên 15.000 tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được.
Đại diện Công ty cà phê 706 (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) cho hay, để phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, điều tiên quyết là giống tốt và nguồn vốn lớn để tiến hành tốt công tác tái canh những vườn cà phê già cỗi. Tại công ty, trong khoảng 700 ha cà phê của đơn vị, có tới 300 ha cà phê đã “lão hóa” và để có thể tái canh sớm, công ty đã vay vốn thương mại với lãi suất cao…
Cần “khai thông” nguồn vốn
Ông Phan Hữu Đễ - Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) - chia sẻ, để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cà phê, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình tái canh diện tích cà phê áp dụng cho vườn cây trên 20 năm tuổi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, chi phí khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cây cà phê cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sẽ ở mức vay tới 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay đến 8 năm đối với việc tái canh theo phương pháp trồng mới và cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn 4 năm đối với tái canh theo phương pháp ghép cải tạo cà phê. Đặc biệt, lãi suất cho vay tái canh cà phê năm 2016 là 6,5%/năm. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai gói tín dụng ưu đãi cho tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 6/2013 đến năm 2016, thế nhưng đến nay, mới chỉ có vài chi nhánh Agribank ở các tỉnh ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà phê được vài trăm tỷ đồng. Nguyên nhân là do muốn vay vốn, người dân phải có 2 năm cải tạo đất, 3 năm kiến thiết, khiến thu nhập bị gián đoạn ít nhất 5 năm, ảnh hưởng đến đời sống của nông hộ. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất khiến nông hộ không thể sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Chưa kể, cần phải có xét nghiệm về tuyến trùng (đối tượng dịch hại phổ biến), nấm trong đất và nguồn giống cây trồng…
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đối với diện tích bắt buộc phải tái canh, đa số có năng suất dưới 1,5 tấn/ha. Nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ khiến năng suất, chất lượng hạt cà phê sụt giảm trong những năm tiếp theo, tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu. |