Nhiều đòn bẩy tăng trưởng
Đánh giá về những tiềm lực thúc đẩy thị trường bất động sản trong năm 2021, tại “Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường” diễn ra chiều 16/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm, sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung-cầu cũng như việc tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
“Việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch COVID-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020-2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản”- ông Lộc nhấn mạnh và cho biết thêm, năm 2021 cũng là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, đầu tư.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ nhiều yếu tố |
Bên cạnh đó, cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam. Các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, trong thời gian tới, cùng với khả năng kiểm soát dịch COVID-19, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh, gỡ nút thắt về nguồn cung và thổi “làn gió mới” cho thị trường bất động sản phục hồi.
Ngoài ra, khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, tâm lý thận trọng hơn của nhóm các nhà đầu tư, những kênh đầu tư lướt sóng như vàng và chứng khoán đều chưa khiến các nhà đầu tư thực sự an tâm khi xuống tiền, thì bất động sản vẫn chứng minh được rằng đây là kênh đầu tư hấp dẫn số một bất chấp biến động thị trường trong suốt thời gian giãn cách.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực trạng về những cơn sốt ảo trên khắp các tỉnh thành trong thời gian vừa qua luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với khách hàng. Chia sẻ về thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản khẳng định, thời gian qua đã xảy ra tình trạng sốt đất do yếu tố đầu cơ và đặc biệt vẫn còn các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện cơ sở pháp lý trên thị trường cùng với hiện tượng lừa đảo, gây ra các hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường bất động sản.
“Mặc dù, đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin nhưng vẫn chưa đầy đủ; có những khu vực thông tin lại không kịp thời dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng tung các thông tin không chính xác để đầu cơ, dẫn tới các rủi ro cho khách hàng. Đây là một trong những vấn đề, thời gian tới Nhà nước sẽ quan tâm, bởi những hoạt động không ổn định”- ông Khởi nhấn mạnh.
Trợ lực từ cơ chế
Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Khởi cho rằng với thực tế hiện nay, ngay cả khi những chính sách tháo gỡ quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, thì thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thứ nhất do ảnh hưởng của yếu tố dịch bệnh, và thứ hai là các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Do đó, theo ông Khởi, giải pháp mang tính tổng hợp trước tiên là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh bất động sản, sửa đổi bổ sung luật đất đai, quy định đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, để đáp ứng nhu cầu mới.
“Bên cạnh đó, chúng ta phải có hệ thống thông tin cung cấp cho thị trường bảo đảm minh bạch, kịp thời, nhanh chóng và chính xác, đặc biệt thông tin về quy hoạch, về các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Việc cải cách hành chính cần tiếp tục như lồng ghép các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, giảm bớt hồ sơ, giảm quy trình để bảo đảm các doanh nghiệp có thời gian, cơ hội để thực hiện dự án nhiều hơn” - ông Khởi chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay: Trước sự ảnh hưởng nặng nề khi liên tiếp xảy ra các làn sóng dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào khó khăn. Do đó, hiện nay, các doanh nghiệp rất cần tiếp thêm động lực để vực dậy hậu đại dịch.
Tình hình thị trường bất động sản được khởi sắc hay không phụ thuộc kịch bản kiểm soát dịch bệnh nhanh hay chậm. Để chuẩn bị cho việc dịch được kiểm soát, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để bật dậy, tăng tốc bù lại thời gian ảnh hưởng. Việc kiểm soát tốt được dịch sẽ giúp thị trường bất động sản có nhiều cơ hội trong chung và dài hạn.
Cũng theo các chủ đầu tư cho biết, đa số doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam là vừa và nhỏ, có nguồn lực dự phòng vượt qua cơn khủng hoảng của thị trường không cao, khả năng chống chịu hiện rất khó khăn. Để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn từ nay tới cuối năm, cần tháo gỡ các rào cản, trợ lực thêm từ cơ chế chính sách của chính phủ, điều chỉnh những luật liên quan đến bất động sản, giúp các doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn lực phục hồi thuận lợi hơn trong thời gian sắp tới.
Với xu thế thị trường và những thay đổi nêu trên, ông Lộc nhận định năm 2021, cơ hội và các dòng đầu tư bất động sản sẽ nhiều hơn, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh mới, "khẩu vị" của các nhà đầu tư cũng có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, tại diễn đàn, các chuyên gia nhắc nhiều đến mô hình đô thị đáng sống như một giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: “Bối cảnh mới cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng hoàn cảnh, vươn lên phát triển trong trạng thái bình thường mới, đáp ứng được yêu cầu của xã hội thông qua những sản phẩm đặc biệt của mình, đó là các dự án thông minh và đáng sống”.
Theo ông Tùng, dự án nhà ở đáng sống - sản phẩm của các doanh nghiệp bất động sản sẽ góp phần hình thành lối sống mới có văn hóa, có tri thức, giúp đô thị phát triển hoàn chỉnh theo hướng đô thị xanh, kiến trúc xanh, đô thị thông minh, kiến trúc thông minh. Và đây sẽ là đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế đất nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân đối với xã hội trong việc tạo lập đô thị hạnh phúc, đô thị đáng sống mà chúng ta hướng đến.