Ông Triệu Tài Vinh - Bí Thư Tỉnh ủy Hà Giang |
Với vị trí địa đầu Tổ quốc, Hà Giang được Trung ương quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Giang vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn. Ông đánh giá thế nào về cơ hội thu hút đầu tư, mở hướng phát triển kinh tế- xã hội cho Hà Giang?
Hà Giang là tỉnh còn khó khăn, có thể nói là tỉnh nghèo nhất cả nước. Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc - Tây Bắc” với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước là dịp tốt cho Hà Giang nói riêng và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc nói chung nhìn nhận đánh giá những kết quả đạt được và tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế…
Hội thảo nhằm đánh giá lại các cơ chế, chính sách hiện nay đã góp phần thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị như thế nào, đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách mới cho phù hợp. Ví dụ, hiện nay, cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy của Hà Giang đã được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, vậy cơ chế, chính sách đã đồng bộ chưa, đáp ứng được yêu cầu là cửa ngõ giao thương quốc tế chưa? Cơ chế phát triển kinh tế biên mậu đã phù hợp chưa?... Đó là nhiệm vụ quan trọng của hội thảo.
Bên cạnh đó, với sự góp mặt của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp…, hội thảo sẽ bàn về đường hướng phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững.
Hà Giang đã xác định thế mạnh, chiến lược cũng như chuẩn bị hạ tầng, nhân lực như thế nào để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tới, thưa ông?
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang bế mạc năm 2010, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn về việc triển khai Nghị quyết đại hội cũng như đánh giá, tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Ngoài kinh tế biên mậu của một tỉnh biên giới, ngoài Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn để phát triển du lịch thì khí hậu, đất đai Hà Giang cũng được xác định là một thế mạnh. Theo đó, Hà Giang đã chọn cây dược liệu, cây cam, cây chè và con bò, con ong để phát triển. Xác định lợi thế và hướng đi đó, Hà Giang đã bàn tính kỹ, hiện nay đang tập trung làm công tác quy hoạch, xây dựng những dự án mới.
Cái khó của Hà Giang hiện nay là phát triển về kinh tế biên mậu cần những cơ chế đặc thù để phát triển. Các quy chế, quy định thống nhất cả nước, nhưng không phải địa bàn, cửa khẩu nào cũng giống nhau. Các cửa khẩu có “sức hút” hay không thì quy chế đi kèm rất quan trọng, phải có những cơ chế đặc thù. Ngoài quy hoạch, Hà Giang phải chuẩn bị những cơ chế, chính sách, đề xuất với Trung ương về một số cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển.
Chẳng hạn, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy mới được thành lập nên cần có những cơ chế ưu đãi, đặc thù, như trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy được giữ lại phần thuế xuất, nhập khẩu trong 3- 5 năm để tái đầu tư hạ tầng. Hay một số cơ chế riêng để Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy chủ động, linh hoạt…
Sinh hoạt văn hóa truyền thống là hoạt động được các dân tộc anh em trên vùng cao Hà Giang luôn gìn giữ và phát triển |
Về nguồn nhân lực, hiện tỉnh đã có các chương trình hợp tác đào tạo toàn diện với Đại học quốc gia. Cùng với nguồn nhân lực địa phương, Hà Giang sẽ đẩy mạnh liên kết về nguồn nhân lực từ các vụ, viện nghiên cứu Trung ương.
Với người dân, Hà Giang định hướng phát triển sản xuất từ cây, con sẽ đi theo chuỗi giá trị chứ không như trước đây bà con tự sản, tự tiêu. Người dân sẽ tham gia chuỗi giá trị một cách có trách nhiệm, dần dần thay đổi tâm lý tiểu nông, phát triển tư duy kinh tế trong sản xuất hàng hóa.
Thu hút đầu tư, sự phát triển của Hà Giang thời gian tới được gắn kết với các địa phương lân cận và vùng Đông Bắc, Tây Bắc như thế nào?
Cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là điểm kết nối. Thực tế, không phải tỉnh nào cũng dám hy sinh lợi thế của mình vì tỉnh khác. Hội thảo cần đưa ra các giải pháp kết nối giữa Hà Giang với các tỉnh trong mối liên kết với khu vực Đông Bắc, Tây Bắc. Thực tế, nội hàm phát triển của khu vực là theo “một trục- hai hướng”. Một trục là hướng quốc lộ 2 đi từ Vĩnh Phúc, qua Phú Thọ, Tuyên Quang lên Hà Giang, và cũng trục quốc lộ 2 từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ theo hướng quốc lộ 70 có đường cao tốc lên Yên Bái, Lào Cai, hướng này hiện phát triển rất tốt.
Tuyên Quang và Hà Giang trước đây đặt ở khu tự trị Việt Bắc, đã đến lúc phải khơi dậy vùng đất này. Với xu thế hội nhập hiện nay, trục Tuyên Quang, Hà Giang và Châu Vân Sơn (Trung Quốc) là trục hướng ra quốc tế. Hà Giang nằm giữa hai hướng Đông và Tây Bắc. Hội thảo cần làm rõ vị trí Hà Giang trong việc kết nối giao thương, sản xuất hàng hóa.
Cùng với đó, vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, tour tuyến du lịch cũng cần có sự liên kết, cần những đóng góp từ nhiều phía, gợi mở của các chuyên gia để có mối liên kết tốt nhất, phát huy thế mạnh của địa phương trong mối liên kết tổng thể.
Cùng với cơ chế, chính sách, tỉnh Hà Giang cam kết thế nào với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Hà Giang?
Trước khi tổ chức hội thảo, chúng tôi đã khảo sát và lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với Hà Giang, phần Hà Giang việc phải làm sau hội thảo là điều chỉnh cơ chế, chính sách. Chúng tôi đã họp bàn, quyết định sẽ rà soát lại cơ chế, chính sách cho thuê mặt bằng, các thủ tục hành chính… Trong công tác thu hút đầu tư, Hà Giang cam kết thực hiện theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”. Những gì tốt nhất cho các nhà doanh nghiệp, cho người dân thì địa phương sẽ thực hiện. Hà Giang cũng chọn năm 2015 là năm cải cách hành chính.
Trân trọng cảm ơn ông!