GS.TS. Vương Đình Huệ Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Điểm kết nối vùng Đông Bắc và Tây Bắc
Vùng trung du và miền núi Bắc bộ được mở rộng gồm: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và các huyện phía tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ.
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), các Tỉnh ủy trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 11%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng phát triển kinh tế- xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh giáp biên giới như Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, đây vẫn là vùng nghèo nhất cả nước. Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh lâu dài của đất nước.
Với vị trí khá đặc biệt, Hà Giang là điểm kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc. Những năm qua, mặc dù ở địa bàn chiến lược phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã cố gắng nỗ lực rất cao, thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh: Kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân hàng năm tương đối khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp đã bước đầu phát huy lợi thế cạnh tranh như phát triển sản phẩm đặc sản vùng cao, phát triển dược liệu... Phát triển công nghiệp tuy còn khó khăn nhưng Hà Giang cũng đã từng bước hình thành được các khu công nghiệp tạo động lực cho địa phương. Thương mại, dịch vụ của Hà Giang được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23%/năm, thu ngân sách tăng 29,31%/năm...
Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang- nơi địa đầu Tổ quốc |
Những giải pháp phát triển
Để thực hiện có hiệu quả theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Bí thư, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, làm tốt vai trò là tỉnh nằm ở địa đầu của Tổ quốc, có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh- quốc phòng và đối ngoại; là đầu mối giao thông, quan hệ kinh tế quan trọng đối với các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai; có mối quan hệ mật thiết với thủ đô Hà Nội, với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ thông qua hệ thống hành lang kinh tế quan trọng; có mối quan hệ mật thiết về kinh tế với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc thông qua các cửa khẩu hoặc đường mòn (lối mở); chúng ta cần quan tâm một số điểm sau đây:
Thứ nhất, sớm xây dựng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Hà Giang, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh: Bảo đảm phát huy vị trí của Hà Giang là tỉnh kết nối giữa Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối giữa vùng trung du và miền núi Bắc bộ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phát triển công nghiệp khai khoáng gắn với chế biến sâu và bảo đảm tốt môi trường sinh thái; phát triển thương mại dịch vụ trên cơ sở liên kết hành lang kinh tế Việt Nam- Trung Quốc và các nước ASEAN, phát triển mạnh các khu kinh tế biên mậu, liên kết chặt chẽ du lịch với nông lâm nghiệp trong vùng; phát triển mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với du lịch, kinh tế biên mậu, nông nghiệp, an ninh quốc phòng.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/9/2014 về nhiệm vụ chính phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Hà Giang: Hà Giang cần hình thành một số sản phẩm chủ yếu có khả năng cạnh tranh quốc tế; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên; tăng cường hợp tác quốc tế; ưu tiên xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo cơ sở liên kết vùng để phát triển nhanh kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. |
Thứ hai, trên cơ sở lợi thế “Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”, Hà Giang cần nghiên cứu đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá để các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, hình thành khu dịch vụ du lịch cao cấp về sinh thái, văn hóa dân tộc, khám phá, khoa học, với sản phẩm đặc sản địa phương.
Thứ ba, với điều kiện đặc thù về sinh thái, địa hình thuận lợi cho phát triển dược liệu, Hà Giang cần xây dựng chiến lược, các đề án quy hoạch, phát triển một nền nông- công nghiệp dược liệu, hình thành các khu công nghiệp chế biến dược liệu thu hút đầu tư, có cơ chế đặc biệt ưu đãi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, hình thành thương hiệu sản phẩm dược liệu Hà Giang độc đáo, gắn với bảo vệ và phát triển rừng theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.
Thứ tư, trên cơ sở đặc thù về sinh thái, địa hình, Hà Giang nên tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp mới trên cơ sở lợi thế đặc thù tự nhiên, hình thành những vùng nông nghiệp đặc sản- du lịch, dùng đặc sản để quảng bá du lịch và địa phương; gắn với bảo vệ rừng, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chính sách cho đồng bào dân tộc.
Thứ năm, về phát triển kinh tế biên mậu với trung tâm là cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc), Hà Giang cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục thông quan; có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng nhanh kinh tế biên mậu. Từng bước, đưa kinh tế biên mậu trở thành động lực chính để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra những chuyển biến về đời sống xã hội và giải quyết việc làm cho nhân dân vùng biên, bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia.
TIN LIÊN QUAN | |