Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Tham dự hội thảo còn có ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nêu rõ: Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới và dân tộc, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, là tỉnh có vị trí địa chính trị, chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; là không gian kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, giữa các tỉnh dọc Quốc lộ 2 với vùng phía Nam của Trung Quốc rộng lớn, gồm 01 cặp cửa khẩu Quốc tế, 03 cặp cửa khẩu phụ và nhiều lối mở biên giới.
Để phát triển, Hà Giang đã xác định được tiềm năng, lợi thế trên cơ sở 3 mũi nhọn đó là phát triển nông lâm nghiệp (cây dược liệu, nuôi bò vàng); du lịch và kinh tế biên mậu. Đây cũng là chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua và sắp tới. Vừa qua, tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương tập trung quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, dược liệu, lập các dự án khoa học công nghệ để xây dựng thương hiệu sản phẩm “bò vàng cao nguyên đá”, tiến độ triển khai các nhiệm vụ này đã có tác động tích cực đến sự phát triển, tạo xung lực cho phát triển rất tốt. Tuy nhiên, tiềm năng về kinh tế biên mậu, còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ như cơ chế tài chính đầu tư hạ tầng, cơ chế quản lý và độ thông thoáng trong giao dịch biên giới, hoặc một số chính sách của địa phương.... Hà Giang đã xác định phát triển trên quan điểm: “một trục - hai hướng” như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Hà Tuyên - Vĩnh Phúc trước đây với thị trường Châu Văn Sơn (Trung Quốc), đây là lợi thế không chỉ của Hà Giang, mà lợi thế này, nhiệm vụ này còn là của các cơ quan trung ương, các địa phương cùng tổ chức thực hiện. Muốn vậy cần phải có cơ chế phù hợp, hợp tác tích hợp, liên kết chặt chẽ, thông tin đầy đủ, sản phẩm và dịch vụ có thế mạnh để cùng nhau phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo tại Hà Giang |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang nói riêng và các địa phương vùng Đông - Tây Bắc nói chung có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, khoáng sản, lợi thế về nông – lâm nghiệp, đặc biệt là cây dược liệu và nhiều loại cây, con đặc sản khác. Bên cạnh đó là tiềm năng về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương gắn với liên kết vùng. Hà Giang cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển nông – lâm nghiệp vùng núi, kết nối với toàn vùng trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và gắn kết chặt chẽ với phát triển nông nghiệp và du lịch. Phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng chế biến sâu và bảo vệ môi trường sinh thái…
Trưởng ban KTTW Vương Đình Huệ |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho Hà Giang trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào 3 lĩnh vực trọng điểm mà Hà Giang đã lựa chọn. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, hạ tầng thương mại nhằm phát triển kinh tế biên mậu và kinh tế du lịch trên cơ sở hình thành không gian chung có kết nối vùng và quốc tế. Chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu sáng tạo...
Đóng góp ý kiến về phát triển thương mại biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, Hà Giang là một trong 7 tỉnh có đường biên giới chung với 2 tỉnh của Trung Quốc với thị trường rộng lớn, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng cao nhưng không khó tính., đây là cơ hội lớn cho các DN ở Hà Giang nói riêng, các tỉnh Đông Bắc nói chung trong việc thúc đẩy kinh tế biên mậu, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên để tạo được bước đột phá cần tạo cho Hà Giang những cơ chế đặc thù.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tham luận tại Hội thảo |
Trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Giang cần xây dựng chiến lược phát triển nông – công nghiệp bảo đảm tính truyền thống và hiện đại gắn với hình thành nền nông-công nghiệp toàn vùng miền núi phía Bắc; đồng thời, hình thành một số khu công nghiệp chế biến dược liệu với cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Hơn thế, ngành nông – công nghiệp và dược liệu cũng cần được phát triển trong mối tương quan liên kết chặt chẽ dịch vụ du lịch để quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và thu hút đầu tư hình thành thương hiệu dược liệu của Hà Giang…
Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Giang cần tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng quy hoạch theo hướng chất lượng, sát thực và hiệu quả để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng là yếu tố định hướng để liên kết, liên doanh phát triển trong vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong Quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm ở cấp địa phương.
Về xây dựng cơ chế, thể chế liên kết, Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở kết quả các phiên Hội thảo, các bộ, ngành, địa phương và tỉnh Hà Giang kịp thời đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác trong cả nước.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng tiến hành xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng KT-XH, quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu, đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.