Cam sành được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị |
Cây cam - cây trồng thế mạnh của địa phương
Hà Giang là vùng cam lớn nhất trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Với chất lượng thơm, ngon đặc trưng, cam sành Hà Giang luôn là sự lựa chọn số một của người tiêu dùng. Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh, được đầu tư phát triển tập trung, nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sự phát triển cam, quýt ở Hà Giang cũng rất thăng trầm. Những năm 2000, diện tích cam, quýt đạt hơn 8.000 héc-ta, sản lượng khoảng 32.500 tấn.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến 2012, giống cây ăn quả truyền thống của tỉnh vùng cao bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Thực trạng đó khiến tỉnh Hà Giang thực hiện các giải pháp nhằm lấy lại vị thế vùng cam truyền thống… Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo tập trung phục hồi, phát triển vùng cam sành hàng hóa và sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, cây cam trở thành 1 trong 5 cây, con chủ lực của địa phương để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Hà Giang có nhiều chính sách cụ thể đối với cây cam, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh vườn cam theo quy trình VietGAP, với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 80 triệu đồng/héc-ta; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 500 triệu đồng/dự án...
Đến nay diện tích cam toàn tỉnh Hà Giang đạt trên 7.900 héc-ta. Trong đó, trên 1.400 héc-ta cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời, Hà Giang đã có định hướng ổn định diện tích cam đến năm 2020 cùng sản lượng cam toàn tỉnh đạt 50.000 – 80.000 tấn/năm...
Xúc tiến quảng bá, tìm kiếm thị trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, thông qua hội nghị sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn trong công tác giữ thương hiệu cam sành Hà Giang, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Ông Tiến nhấn mạnh, những năm qua, nhằm phục hồi vị thế cây cam sành, tỉnh Hà Giang đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng cao, gắn với việc triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn cho người trồng cam, trong đó tập trung hỗ trợ những vườn cam sản xuất theo quy trình VietGAP. Hội nghị lần này cũng nhằm kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành bền vững.
Đại diện các bộ, ngành Trung ương đóng góp ý kiến cho tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cam sành Hà Giang hiện phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, bao hàm cạnh tranh về giá, quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ. Nếu không có chiến lược phát triển kinh doanh, cam Hà Giang sẽ khó đứng vững trên thị trường. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu rau quả gợi ý cho Hà Giang những giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo quản, về giống, sản xuất, thu hái, bảo quản… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhân dịp này, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Theo đó, khu vực địa lý gồm các xã thuộc 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người trồng cam cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành trên thị trường. Mặt khác, các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất, cơ chế, chính sách nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...